Nhật Bản "rải tiền" ở Đông Nam Á

Thứ sáu, 07/11/2014, 09:51
Kinh tế trong nước không có động lực tăng trưởng khiến các công ty Nhật Bản mang tiền đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, nhiều đến mức có cảnh báo nước này sẽ trở thành nền kinh tế “cho vay lãi”.

Trung tâm Thương mại AEON do Nhật Bản mới đầu tư tại Phnom Penh là khu thương mại lớn nhất hiện nay tại Campuchia với chi phí xây dựng hơn 200 triệu USD.

Ở góc độ chính trị, đây tiếp tục là một món quà mà Nhật Bản dành tặng cho Campuchia nhằm tách nước này ra khỏi ảnh hưởng từ Trung Quốc. Nhưng ở góc độ đầu tư, thương vụ này tiếp tục cho thấy xu hướng đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào thị trường Đông Nam Á.

Theo The Economist, đầu tư của Nhật Bản trong khu vực đã tăng gấp đôi, lên 2,3 nghìn tỷ yên (24 tỷ USD) vào năm ngoái. Một phần số tiền này là các vụ mua bán và sáp nhập của các công ty Nhật Bản.

Cụ thể, Toshiba đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Đông Nam Á trong vòng 5 năm; hãng di động SoftBank đầu tư 100 triệu USD vào công ty thương mại điện tử của Indonesia Tokopedia; một năm trước, Mitsubishi UFJ Financial Group, ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản, đã dành 536 tỷ yên để mua 72% của Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan...

Những năm 1980 và 1990 chứng kiến làn sóng đầu tư đầu tiên của Nhật Bản đổ vào các thị trường Thái Lan, Malaysia và Singapore, phát triển ngành công nghiệp ôtô và thiết bị điện tử tại các nước Đông Nam Á này.

Dòng đầu tư này chậm lại trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, sau đó, các công ty Nhật Bản hướng đến thị trường lao động giá rẻ khổng lồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí lao động tại đại lục đang tăng mạnh, bên cạnh căng thẳng chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư Nhật lại hướng tới thị trường Đông Nam Á.

Đầu tư Nhật Bản ở Trung Quốc đã giảm gần 2/5 năm ngoái. Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, nhưng đầu tư của các công ty Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái.

Theo số liệu do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 7/8, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ra nước ngoài trong năm 2013 tăng 10,4% so với năm 2012, đạt 135 tỷ USD. Đây là mức cao nhất của Nhật Bản trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm tới 32,5%, chỉ đạt 9,1 tỷ USD trong khi đầu tư vào ASEAN tăng tới 220%, đạt 23,6 tỷ USD. Xu thế này cho thấy các công ty Nhật Bản ngày càng coi trọng thị trường Đông Nam Á trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Hiệu suất lợi nhuận trên tài sản đầu tư ở khu vực ASEAN trong năm 2013 cao hơn suất đầu tư vào Trung Quốc.

Nhưng xu hướng “rải tiền” vào Đông Nam Á của các công ty Nhật Bản cũng gây ra nhiều lo ngại. Một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo “các ngân hàng Nhật Bản đổ xô vào đây sẽ chết yểu”.

Trong năm 2013, Ngân hàng Nhật Bản đã bắt đầu mua trái phiếu bằng tiền mới được tạo ra (nới lỏng định lượng), như là một phần của một kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản (nguồn:JETRO)

Khi nhu cầu vay vốn tại Nhật Bản vẫn còn yếu, các nhà đầu tư Nhật tìm kiếm các khoản vay ở nước ngoài. Những khoản vay của ngân hàng Nhật Bản với phần còn lại của châu Á, bao gồm Trung Quốc, đã phát triển nhanh chóng kể từ cuối năm 2012 và đứng ở mức 465 tỷ USD trong tháng 6/2014.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản muốn doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn ở thị trường trong nước. Chính sách tài chính nới lỏng định lượng đã làm yếu đồng yên, làm cho nó hấp dẫn hơn để thực hiện chiến lược này.

Nhưng dân số già đi nhanh chóng khiến thị trường trong nước thu hẹp về nhu cầu, buộc những công ty như Mitsubishi Motors phải lựa chọn Indonesia để xây dựng một nhà máy mới. Nissan Motor, hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai Nhật Bản, đã cam kết đầu tư 370 triệu USD để xây nhà máy thứ hai tại Thái Lan...

Khi sản xuất bị chuyển ra nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản. Deutsche Bank ước tính đầu tư nước ngoài làm giảm cán cân thương mại của Nhật Bản ít nhất 16 ngàn tỷ yên trong năm 2012.

Lợi nhuận từ nước ngoài không đủ để bù đắp cho những thiệt hại về tài khoản vãng lai. Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo cảnh báo, rủi ro là Nhật Bản có thể trở thành nền kinh tế “cho vay”. Trong kịch bản này, các công ty Nhật Bản không đầu tư trong nước dù đó là cần thiết để tạo ra tốc độ tăng lương trên diện rộng, mà dành tiền cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.

Điều đó sẽ khiến Nhật Bản sống nhờ vào khoản cho vay ở nước ngoài, chứ không phải là những thành quả của hoạt động kinh tế trong nước.

Theo DNSG

Các tin cũ hơn