Vị thế thay đổi
Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, hoàn thành 98,5% mục tiêu lợi nhuận 2014. Nợ xấu trong khi đó giảm mạnh xuống dưới 3%. Tổng tài sản đạt 170.768 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Kết quả của Techcombank khiến nhiều NĐT bất ngờ bởi sự chuyển biến nhanh trong bối cảnh hệ thống NH vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có vấn đề nợ xấu và sức cầu nền kinh tế suy yếu.
Còn nhớ, năm 2013, như nhiều NH khác, Techcombank đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu ở mức cao. NH này đã phải đẩy mạnh trích lập dự phòng và duy trì chính sách cho vay thận trọng và đảm bảo chất lượng tài sản.
VPBank cũng là một cái tên gây ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2014 với lợi nhuận đạt gần 1.100 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Trái với nỗi ám ảnh "tín dụng âm" hoặc tín dụng tăng rất thấp, vài ba phần trăm đeo bám hầu hết NH, VPBank chứng kiến tín dụng tăng 34,8% sau 9 tháng, với dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 là suýt soát 70 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản tăng thêm gần 22% lên 147.625 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 19,6% đạt 100.296 tỷ đồng.
|
Một số nhà băng đã cho thấy hiệu quả của quá trình tái cấu trúc |
NamABank của nhà doanh nhân Tư Hường cũng chứng kiến lợi nhuận tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng 32%.
TPBank thậm chí đã vượt kế hoạch cả năm trong vòng 9 tháng. Riêng trong quý III, lợi nhuận của ngân hàng này tăng gần gấp đôi so với kết quả 6 tháng đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 46%, cao gấp khoảng 6 lần so với trung bình trong hệ thống.
Điểm mặt tốp 5 NH cổ phần hàng đầu Việt Nam, bên cạnh Techcombank hồi phục ấn tượng, MBBank duy trì cú bứt phá ngoạn mục trong hơn 2 năm qua với lợi nhuận 9 tháng 2014 khủng nhất khối, đạt trên 2.400 tỷ đồng. Sacombank không ngừng bám đuổi MBBank với tốc độ tăng khá cao và có thể sẽ chiếm vị trí quán quân về lợi nhuận ngay trong năm 2014 này.
Ở chiều ngược lại, ACB vốn là NH số 1 trong khối cổ phần vài năm trước đây - tiếp tục gặp khó khăn với lợi nhuận quý III giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu chưa giảm so với đầu năm và vẫn nằm trên ngưỡng 3%.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) tiếp tục rơi trên bảng xếp hạng. Tới cuối tháng 9/2014, Eximbank có tăng trưởng tín dụng âm gần 4%, tổng tài sản giảm hơn 28.700 tỷ đồng. Lợi nhuận 9 tháng giảm hơn 18%; nợ xấu tăng mạnh.
Chặng đường còn dài
Bức tranh khái quát về hoạt động của các NH đã có nhiều điểm sáng. Một số ngân hàng duy trì được sức mạnh của mình như Sacombank hay MBBank. Một số hồi phục mạnh mẽ sau tái cấu trúc như: Techcombank, TPBank hay có những bước xoay chuyển tình thế vượt khó khăn như PGBank, PVcombank, Navibank... hoặc tranh thủ phát triển mạnh mẽ như VPBank.
|
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ngân hàng vẫn đang gồng mình xử lý nợ xấu |
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, rất nhiều ngân hàng vẫn đang gồng mình xử lý nợ xấu và xoay xở để thoát khỏi cảnh ôm tiền không cho vay được, lợi nhuận tụt giảm, thua lỗ.
Trong quý III/2014, DongABank bất ngờ báo lỗ hơn 76 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn của NH này chiếm hơn 13% tổng dư nợ. Lãnh đạo NH này cũng đã cho biết, sẽ không chia cổ tức đợt 1/2014 do nhận định kinh tế những tháng cuối của năm 2014 còn nhiều khó khăn.
ABBank trong khi đó chứng kiến tăng trưởng tín dụng âm 1,4%; dự phòng rủi ro tăng gấp 12 lần; nợ quá hạn chiếm 16% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tại Ngân hàng Quốc Dân, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể so với đầu năm nhưng vẫn còn ở mức cao là 4,93%. Lợi nhuận của ngân hàng còn khá thấp.
Thực tế cho thấy, khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng còn nhiều. Con số từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến gần cuối tháng 10 mới đạt 7,85% so với cuối năm 2013. Mức tăng trưởng khiêm tốn nói trên cũng đã là một nỗ lực với nhiều giải tín dụng linh hoạt tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng, cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế. Nợ xấu có chiều hướng tích cực, giảm qua các tháng nhưng tính tới cuối tháng 9 vẫn ở mức cao 3,88%.
Hiện tượng hàng loạt các ngân hàng, trong đó có nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank... báo lợi nhuận giảm trong quý III cho thấy quá trình tái cấu trúc vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Nguyên nhân lợi nhuận giảm được cho là do các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, lãi suất giảm và đồng tiền ứ đọng cũng góp phần khiến các ngân hàng không thể cải thiện được lợi nhuận.
Tại nghị trường hồi đầu tháng 11, tái cơ cấu ngân hàng vẫn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của rất nhiều đại biểu quốc hội. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc tái cơ cấu đã được làm mạnh và tiến triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó nợ xấu là vấn đề dai dẳng, khó xử lý triệt để.