Sở hữu chéo ngân hàng: Cú 'nước rút' hậu Thông tư 36?

Thứ tư, 17/12/2014, 14:48
Bản án 30 năm tù cho Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) với 4 tội danh sau 10 ngày xét xử của phiên phúc thẩm có thể xem như một lời “tuyên chiến” mới nhất với lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng suốt thời gian dài.

Chuyện khó xử

Hai năm sau “chấn động” của vụ bầu Kiên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đến nay vẫn lao đao và chưa thể phục hồi “thể trạng”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2014, trong quý 3 ACB đạt lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm trước và sau thuế là 264 tỷ đồng, giảm 34%.

Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 1.071 tỷ và sau thuế 837 tỷ đồng, giảm lần lượt 27,6% và 25,1% so với cùng kỳ.

Chất lượng nợ cũng là điều đáng bàn, lũy kế 9 tháng ACB có tổng cộng 3.479 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 70%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 là 3,07%, tương đương hồi đầu năm.

Sở hữu chéo ngân hàng: Cú 'nước rút' hậu Thông tư 36?
Sở hữu chéo trong ngành ngân hàng đã diễn ra suốt thời gian dài

Với một hệ thống ngân hàng lành mạnh thì không thể tồn tại tình trạng lợi ích nhóm lũng đoạn, gây tổn thất cho ngân hàng và nền kinh tế. Từ năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật.

Nhiều vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng đã được phát hiện và xử lý, điển hình như các vụ việc xảy ra tại Công ty Tài chính II - Agribank, Ngân hàng Xây dựng, OceanBank...

Và hiện tại, bản án 30 năm tù cho Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) với 4 tội danh sau 10 ngày xét xử của phiên phúc thẩm có thể xem như một lời “tuyên chiến” mới nhất với lợi ích nhóm đang lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng suốt một thời gian dài.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận tình trạng lợi ích nhóm tại nhiều ngân hàng vẫn đang khiến cơ quan này đau đầu, bởi việc xử lý không hề đơn giản và cần phải có thời gian.

Chuyển nhượng “nước rút”?

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Ủy ban kinh tế Quốc hội, vẫn phải chấp nhận có tồn tại lợi ích nhóm trong ngân hàng, nhưng phải hài hòa giữa lợi ích của người bỏ tiền đầu tư, người gửi tiền và toàn xã hội.

Để làm được điều đó, cơ quan quản lý cần phải giải quyết và quản lý được tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, đưa về tỷ lệ sở hữu cổ phần hợp lý có thể khống chế được hành vi lũng đoạn, trục lợi của cá nhân, nhóm lợi ích.

Và mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2015) với quy định giới hạn sở hữu chéo tối đa được quy định là 5%.

Với thời điểm có hiệu lực cận kề, trong thời gian tới, làn sóng chuyển nhượng cổ phần ngân hàng được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ.

Ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ quy định trên có lẽ là Vietcombank với mạng lưới sở hữu chéo lớn.

Tại thời điểm cuối 2013, Vietcombank nắm 8,19% cổ phần Eximbank; 9,59% cổ phần Ngân hàng Quân đội (MB); 4,3% cổ phần Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank); 5,06% cổ phần Ngân hàng Phương Đông và 10,9% cổ phần Công ty Tài chính Xi măng. Cho đến nay các tỷ lệ sở hữu trên vẫn giữ nguyên.

Eximbank và Vietinbank cũng có sở hữu chéo vượt tỷ lệ quy định. Chẳng hạn Eximbank nắm giữ 9,7% cổ phần Sacombank trong khi Vietinbank nắm 10,39% cổ phần Saigonbank, tương đương 310 tỷ đồng.

Đối với các ngân hàng chưa niêm yết, một trường hợp đáng chú ý là Maritime Bank.

Maritime Bank hiện nắm 9,95% cổ phần MB; 10,20% cổ phần Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) và 11% cổ phần Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam (VTFC).

Techcombank cũng nắm 10% cổ phần Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC), trong khi ABBank nắm giữ 8,44% cổ phần Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực.

Theo Diễn Đàn Đầu Tư

Các tin cũ hơn