Những chính sách tài chính - ngân hàng có hiệu lực từ tháng 2/2015

Chủ nhật, 01/02/2015, 14:40
Giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; Thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam;... là những chính sách nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2015.

Ảnh minh họa.

Giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng

Từ ngày 1/2/2015, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi như sau:

Ngân hàng thương mại nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngoài: 90%. Ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 80%.

Thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Từ ngày 1/2/2015, Thông tư 38/2014/TT-NHNN về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, trong 30 ngày, từ ngày cấp có thẩm quyền chấp thuận NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD thì NĐT phải chuyển đủ số tiền đã đăng ký mua vào tài khoản đầu tư gián tiếp phong tỏa bằng VND tại một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định.

Trường hợp mua cổ phần của TCTD đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, NĐT nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch.

Ngoài ra, khi NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD yếu kém, hồ sơ cần bổ sung văn bản cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD yếu kém, hỗ trợ trong việc áp dụng công nghệ hiện đại…

Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng

Ngày 29/12/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 44/2014/TT-NHNN về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể:

Tiêu chuẩn chung bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật giám định tư pháp và không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm.

Trong đó, quy định "đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên" là đã có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động.

Đối với quy định “Có trình độ đại học trở lên” là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

Riêng giám định viên tư pháp trong lĩnh vực ngân hàng phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, kế toán, kinh tế, luật. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/02/2015.

Hướng dẫn thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng

Ngày 7/1/2015, Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2015/TT-NHNN hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.

Theo đó, cá nhân được xét nhận “Bằng khen của Thống đốc” phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:

Hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có thành tích xuất sắc được bình xét tại phong trào thi đua, trong thời gian đó có 2 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận và có khả năng áp dụng hiệu quả.
Lập nhiều thành tích có phạm vi ảnh hưởng trong lĩnh vực hoạt động ngành Ngân hàng. Lập thành tích xuất sắc đột xuất.
Đối với danh hiệu “Anh hùng lao động” thì tổ chức xét 5 năm một lần vào Đại hội thi đua yêu nước trừ khi có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/02/2015 và thay thế Thông tư 36/2011/TT-NHNN.
Theo Bizlive

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích