Chia cổ tức đang là vấn đề gây ra nhiều tranh luận và bức xúc trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay ở các ngân hàng (NH). Không chỉ ở việc chia cổ tức thấp mà cách chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đã khiến không ít cổ đông phải rơi nước mắt.
Hồi hộp chờ phương án chia cổ tức
Ngày 21/4, kết thúc ĐHCĐ thường niên năm 2015 nhưng Sacombank vẫn chưa chốt được phương án chia cổ tức. Đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 12%, chưa kể khoản “nợ” cổ tức năm 2013 với tỉ lệ 8% nhưng Sacombank vẫn đang chờ duyệt. Cũng tại đại hội, nhiều cổ đông lên tiếng muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, lãnh đạo NH này cho biết việc chia cổ tức năm nay do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định.
Tại ĐHCĐ của NH Nam Á mới đây, lãnh đạo NH này cũng cho hay ban đầu trình NHNN phương án chia cổ tức cho cổ đông nhỏ, lẻ ở mức 9%, cổ đông lớn ở mức 4%. Cuối cùng NHNN duyệt mức chung 4% là tiền mặt.
Tương tự như vậy tại VIB, kế hoạch trình lên là 11% nhưng sau đó chỉ được duyệt 9%. Hay như LienVietPostBank được duyệt mức 6% thay vì 10% như đề xuất. Riêng với HDBank nhiều cổ đông cũng mong muốn được chia cổ tức bằng tiền mặt, song cuối cùng NH này chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 5%.
Cổ đông nhỏ, lẻ mua cổ phiếu đơn thuần để kỳ vọng cuối năm nhận về khoản lãi bằng tiền mặt. Trong ảnh: Đại hội cổ đông Sacombank năm 2015. Ảnh: NS |
Bên cạnh một số NH chia cổ tức cao như VietinBank là 10% bằng tiền mặt, ACB là 7%, Saigonbank 3,5% và Bản Việt là 1,5%... thì một số NH không chia cổ tức năm 2014.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong số 12 NH có hội sở tại TP.HCM có năm NH chia cổ tức, bảy NH không chia cổ tức.
Cổ đông nhỏ sốc
Lý do NHNN can thiệp vào việc chia cổ tức của các NH, theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia tài chính là để đảm bảo an toàn cho hoạt động hệ thống và cũng là biện pháp nên làm. Việc chia tỉ lệ thế nào, các NH dựa trên sự cân nhắc giữa lợi nhuận của năm đó, kế hoạch tăng vốn của năm sau… rồi trình lên NHNN nước góp ý và duyệt.
Theo ông Doanh, việc bức xúc khi NH không chi trả tiền mặt đa số rơi vào các cổ đông nhỏ, lẻ. Họ mang tiếng là nhà đầu tư nhưng không phải là nhà đầu tư. Thực chất họ mua cổ phiếu NH với kỳ vọng cuối năm nhận về cổ tức là một khoản tiền lãi. Họ không mong muốn nhận cổ phiếu để đầu tư nhiều hơn nữa. Vì thế họ có kế hoạch sau khi nhận khoản lãi sẽ sắm sửa. Thế nên khi không được nhận đồng tiền mặt nào họ đã bị sốc. “Tôi từng chứng kiến những cổ đông khóc mếu vì NH chi bằng cổ phiếu đã phá vỡ mọi kế hoạch của họ” - ông Doanh nói.
Với cổ đông lớn trường vốn, theo ông Doanh, việc chi cổ phiếu khiến họ vui mừng vì họ là nhà đầu tư nên việc tăng thêm vốn càng tốt. “Tôi nghĩ rằng các NH cần phải thương lượng lại với NHNN để bảo vệ các cổ đông nhỏ, lẻ sao cho có sự cân bằng trong chi trả cổ tức một phần là cổ phiếu và một lượng tiền mặt nào đó.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia tài chính NH, cho rằng việc NHNN can thiệp vào chia cổ tức trong bối cảnh chúng ta đang tái cơ cấu hệ thống NH là bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống. Việc chi trả cổ tức hay tiền mặt có lợi hơn sẽ không có cơ sở nào để đánh giá. Việc trả cổ phiếu hay tiền mặt phụ thuộc vào kế hoạch năm sau của doanh nghiệp đó có mở rộng đầu tư hay không…
Kiểm soát chia cổ tức để đảm bảo an toàn hệ thống Tại ĐHCĐ ở một NH mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục 2 Cơ quan Giám sát NHNN cho hay Điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng ghi nhận cổ đông có quyền quyết định tỉ lệ cổ tức. Nhưng cũng theo luật này, NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. NHNN sẽ dựa trên tổng thể lợi ích hài hòa mối quan hệ kinh tế. Năm qua vẫn còn nhiều khó khăn và năm 2015 là năm then chốt để hoàn thành tái cơ cấu nên cần phải đảm bảo năng lực tài chính, tăng trích dự phòng rủi ro nên khó kỳ vọng cổ tức cao. |
Theo Pháp Luật TP