Ngẫm chuyện “Vua” khát đất định đô

Thứ ba, 05/05/2015, 17:51
Sau nhiều năm công nghiệp hóa, đến nay vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia vẫn rất thiếu doanh nghiệp có công nghệ cao. Phóng viên Tiền Phong tìm đến vài doanh nghiệp cơ khí có tiếng và Ban Quản lý các Khu công nghiệp-Khu chế xuất Cần Thơ, nơi trước năm 1975 đã có khu công nghiệp Trà Nóc hiện đại.

Bài 1: Khát khao an cư của “Vua sơ mi-xy lanh”

Biệt danh Hai Nhà Bè đã cho thấy đời ông Tăng Hồng trôi nổi. Nay ông sản xuất mấy trăm loại sơ mi-xy lanh đúc bằng phương pháp ly tâm dùng cho máy nổ khắp Nam bộ và xuất khẩu ra nước ngoài, nên được tôn là “Vua sơ mi-xy lanh”. Nhưng ông vẫn khát khao an cư để lạc nghiệp.

Xưởng cơ khí của ông Tăng Hồng hiện đại nhưng chật chội. Ảnh: Trường Ca
Xưởng cơ khí của ông Tăng Hồng hiện đại nhưng chật chội. Ảnh: Trường Ca

Đi lướt trong nhà máy của ông Tăng Hồng cảm nhận rõ sự hiện đại. Lò cảm ứng tần số để luyện thép công suất mỗi mẻ một tấn, lặng phắc như nồi cơm điện. Máy móc lớp lớp nối tiếp nhau, hoạt động êm ru. Ông nói, ở đây sản phẩm sai số bằng nửa sợi tóc đã phải loại bỏ, vì độ chính xác yêu cầu bằng sợi tóc chẻ làm tám. Giữa không gian chính xác, PV Tiền Phong lần theo cuộc đời ông.

Lênh đênh nghèo khó

Ông sinh ra dưới xã Đông Phú (Châu Thành, Hậu Giang), trong một gia đình nghèo. Lại chiến tranh loạn lạc, năm 1959, tròn 12 tuổi mới học xong lớp 5, ông được người dượng gửi lên Cần Thơ học nghề sửa máy nổ. Nhà thầy là cái bè kết mấy thùng phi, dựng mái lá trôi nổi trên sông. Thuở đó, học nghề “cơm cha, áo mẹ, công thầy”, người thầy chỉ dạy nghề.

“Chính sách nhiều và đều rất hay nhưng nói ngắn gọn thì thế này, tôi chưa được hưởng chút hỗ trợ gì có thể nhớ được”.

Ông Tăng Hồng

“Nhà tôi nghèo, có hôm tôi phải xin cơm ăn để theo học”, mắt ông chớp mạnh, nhìn đường phố trước mặt. Không biết đoạn phố nào, tuổi thơ ông phải lê bước đi xin cơm? Một thoáng, ông quay lại kể: “Sau này, tôi có 5 đứa con, 2 trai 3 gái, đều theo nghề cơ khí. Tôi bảo, nghề cơ khí vất vả, khó làm giàu nhưng giỏi nghề thì không chết đói được, các con ráng theo để giữ cái nghề đã nuôi ba lớn lên, cho ba có điều kiện nuôi dạy các con. Nhờ trời, con cái đều nghe lời”.

Ông nở nụ cười hiền, kể tiếp: Học 9 năm, tôi giỏi nghề và tuổi đã lớn, xin thầy ra mở cơ sở riêng cũng là cái bè trôi nổi trên sông. Bè kết bằng 12 thùng phi, lênh đênh sửa máy nổ cho tàu thuyền trên sông Cần Thơ. Cái tên Hai Nhà Bè gắn với tôi từ đó (ông thứ Hai), cho đến năm 1980, tôi mua được mảnh đất mở cơ sở cơ khí trên bờ thì khách xa gần cũng cứ gọi tôi là Hai Nhà Bè.

Mảnh đất nhỏ, nằm kẹp giữa sông Cần Thơ và đường Hai Bà Trưng (Ninh Kiều, Cần Thơ), thuận tiện đường thuỷ lẫn bộ. Sông Cần Thơ và đường Hai Bà Trưng chạy song song làm nên Bến Ninh Kiều thơ mộng đầu đằng kia, còn đầu này là khu dân cư lao động nghèo. Cơ khí Hai Nhà Bè nức tiếng suốt mấy chục năm kinh tế bao cấp, đất nước bị cấm vận, bởi máy nổ bị hư cái bộ phận quan trọng bậc nhất là sơ mi-xy lanh, lớn bé mang đến ông đều được sửa ngon lành.

Với giáo sư luyện kim

Tầm năm mươi tuổi, đất nước mở cửa, ông Tăng Hồng nghĩ, tại sao cứ phải đi mua sơ mi-xy lanh về gia công, sửa chữa cho khách hàng mà không đúc nó. Ông bắt đầu tìm hiểu công nghệ đúc gang, luyện thép. Mất mấy năm, khi thấy chắc ăn, ông mở lò đúc gang. Tuy nhiên, làm chi tiết quan trọng hàng bậc nhất của chiếc máy nổ, không thể giản đơn học mót mà được. Mẻ đầu tiên thất bại và thất bại liên tục, kéo dài hơn ba năm, đến năm 1993, xưởng cơ khí không còn nuôi nổi cái lò đốt tiền, ông phải dừng lại để đi tìm thầy.

Ông kể, đâu có tài liệu hay bàn thảo về luyện kim mà ông biết là tìm đến. Tại một cuộc hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh, ông gặp giáo sư Nguyễn Ngọc Thư, một chuyện gia luyện kim. Khi nghe ông bày tỏ ước muốn mở lò đúc, giáo sư Thư nói: “Tôi sẽ giúp đỡ không công”. Ông Tăng Hồng nhớ lại là đã rất băn khoăn, tại sao giáo sư Thư rất giỏi mà tình nguyện làm không công cho ông mới học lớp 5?

Lúc đã quen thân, ông Tăng Hồng mới dám hỏi thật. Giáo sư Thư trả lời rõ ràng, ông được nhà nước bỏ tiền cho đi học về, đang rất muốn gặp được doanh nghiệp chịu đầu tư để biến kiến thức thành sản phẩm phục vụ dân, phục vụ đất nước! Ông Tăng Hồng nghe vậy, mời giáo sư Thư về Cần Thơ ngay. “Nhiều bữa, tôi và giáo sư Thư trao đổi công việc đến nửa đêm”, ông Tăng Hồng cho biết.

Cùng sự giúp đỡ của một số người khác nữa, năm 1996, ông Tăng Hồng làm ra loạt sơ mi-xy lanh đem đi dự hội chợ quốc tế ở Cần Thơ, được trao 8 Huy chương vàng. “Rất nhiều người bất ngờ với kết quả của tôi”, ông Tăng Hồng nói. Rồi giọng ông lại đượm buồn, kể rằng, khi ông có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại thì giáo sư Thư đã qua đời. “Lúc nào có dịp lên thành phố Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội, tôi đều đến nhà hoặc ra mộ thắp hương viếng giáo sư Thư”, ông bộc bạch.

Sơ mi-xy lanh vừa đúc ly tâm

Nguyên liệu luyện kim là các thân máy nổ bằng gang đã cũ, không còn sử dụng và nhiều nguyên tố khác. Nấu chảy, đúc ly tâm, qua nhiều công đoạn kéo dài hằng tháng trời, ra những chiếc sơ mi-xy lanh cho máy nổ có công suất từ 10 đến 1.000 mã lực. Ông Tăng Hồng tâm sự: “Từ thứ bỏ đi, chúng tôi làm ra hơn 300 loại sơ mi-xy lanh chất lượng không thua nước ngoài nhưng giá rẻ hơn. Khoảng 40% sản phẩm được xuất khẩu”.
Khát khao an cư

Vỉa hè cái khu phố nghèo có xưởng cơ khí của ông Tăng Hồng, nay bày bán san sát nông sản. Chợ Cần Thơ phía Bến Ninh Kiều đã lan tới đây. Ông Tăng Hồng nhìn các bà, các cô ngồi bán nông sản trên vỉa hè, buột miệng: Ngành cơ khí chúng tôi cũng như nông sản, bị vất vưởng, ít được quan tâm”.

Ông kể, từ khi rời bè lênh đênh trên sông lên bờ đến nay, chưa bao giờ được an cư để lạc nghiệp. Thời bao cấp vẽ quy hoạch trong phòng lạnh, đe dọa giải tỏa xưởng của ông nhiều lần. Ông kiếm đất mở cơ sở ở đường 3/2 cũng không yên, lên đường Cách Mạng Tháng Tám vẫn không xong vì luôn bị quy hoạch đè lên. Bốn năm nay, ông thuê được 3.500m2đất trong khu công nghiệp Trà Nóc để đúc sơ mi-xy lanh, còn xưởng dưới này lại phải chuẩn bị di dời để làm bờ kè sông Cần Thơ.

Phóng viên Tiền Phong hỏi: “Ngoài việc an cư thì nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi ngành cơ khí về vốn, thuế, công nghệ, thực tế kết quả như thế nào?”. Ông im lặng lúc lâu rồi trả lời: “Chính sách nhiều và đều rất hay nhưng nói ngắn gọn thì thế này, tôi chưa được hưởng chút hỗ trợ gì có thể nhớ được”.

Ông Tăng Hồng
Ông kể mẩu chuyện về thuế, cách nay khá lâu, có một vị lãnh đạo trên Trung ương đến thăm xưởng cơ khí, ông đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành cơ khí xuống 5%, và sau đó được giảm thật. “Nhưng mới đây lại tăng lên 10% rồi. Tôi đang có kiến nghị giảm thuế cho ngành cơ khí, giá trị gia tăng xuống 5%, thu nhập doanh nghiệp xuống 17%, để giúp ngành cơ khí tồn tại vượt qua khó khăn, nhất là chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại tự do”, ông chép miệng. 

Việc thuê đất trong khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp khác được ưu đãi, còn doanh nghiệp cơ khí của ông vẫn phải đóng 2,8 USD/m2/năm và đóng một lần vào đầu năm, xin đóng hằng quý không được. Ông nói: “Để được ưu đãi phải vượt qua nhiều thủ tục cồng kềnh, chúng tôi không đủ sức”.

Thật ngạc nhiên bởi ông ở trong cơ quan quyền lực của địa phương mấy chục năm nay, đại biểu hội đồng nhân dân từ phường lên thành phố (riêng cấp thành phố 3 nhiệm kỳ liền), còn là chức sắc của nhiều hội nghề nghiệp. Đến đây, ông nói ông luôn được mời đọc tham luận ở các hội thảo về công nghiệp hoá từ địa phương tới trung ương. Ông tìm bài tham luận chuẩn bị cho một hội thảo sắp tới, trong đó tha thiết kiến nghị chính quyền quy hoạch chỗ cho doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ an cư lạc nghiệp. Ông viết: “Nếu khâu này thực hiện chậm, hoặc không được quan tâm thì 10-20 năm sau, doanh nghiệp cơ khí nhỏ và vừa sẽ đi về đâu?”.

Ông Tăng Hồng tha thiết kiến nghị chính quyền quy hoạch chỗ cho doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ an cư lạc nghiệp, “nếu khâu này thực hiện chậm, hoặc không được quan tâm thì 10-20 năm sau, doanh nghiệp cơ khí sẽ đi về đâu?”.

Theo Tiền phong

Các tin cũ hơn