Lao đao vì... tiêu tồn
Theo phản ánh của nhiều chủ đại lý chúng tôi xuống vương quốc tiêu ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thực hư việc các thương lái Trung Quốc thu gom hết hàng, rồi tiếp tục đặt hàng với giá cao, ngay cả tiêu lép, tiêu bụi cũng được ký hợp đồng mua với giá cao ngất ngưởng, rồi lặn mất tăm.
Vừa đặt chân đến đại lý thu mua nông sản H.P (ở xã Ea Hur, huyện Cư Kuin), chúng tôi thấy ngay những bao tải tiêu nằm ngổn ngang . Chị N.T.N (chủ đại lý) vừa mở bao tiêu vừa nói: “Trong kho hiện còn khoảng 50 tấn tiêu lép, 20 tấn tiêu bụi (gồm núm tiêu, bụi đất, lá...) như thế này. Cách đây gần một tháng, một số thương lái đến đặt hàng mua tiêu lép (loại 3) với giá khoảng 190.000 đồng/kg, cao gần bằng tiêu hạt chắc loại 1, ngay cả tiêu bụi, núm tiêu cũng được mua với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 3.000 - 10.000 đồng/kg.
Không ai biết đó chính là lúc thương lái bắt đầu tung lượng hàng mua trước đó ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp và đại lý mắc bẫy, chấp nhận mua giá cao gom hàng để giao cho họ. Nhưng sau đó thương lái biến mất, không mua hồ tiêu như đã ký trong hợp đồng, tiền cọc cũng bỏ luôn, các đại lý như chúng tôi phải ôm hàng trăm tấn tiêu đã mua với giá cao mà không biết bán cho ai. Cú này chắc tôi lỗ cỡ 600 triệu đồng!” - chị N. than thở.
Theo ông Hồ Hữu Hải, chủ doanh nghiệp tư nhân Hải Dung ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, giá tiêu rất nhiễu loạn, cứ tăng vọt trong vài ngày rồi tụt xuống, lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy khiến nông dân hoang mang.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk xác nhận đúng là có tình trạng thương lái Trung Quốc dùng “độc chiêu” mua bán xoay vòng để hưởng lợi khiến giá hồ tiêu địa phương rối loạn.
Ông Dương phân tích: “Đầu tiên họ mua 100 tấn tiêu với giá 175 - 180.000 đồng/kg. Sau đó họ đặt mua đại lý A vài chục tấn với giá 185.000đồng/kg, rồi đến đại lý B đặt mua vài chục tấn giá 190.000 đồng/kg với yêu cầu gom nhanh, lấy nhanh, khiến giá hồ tiêu trong vùng tăng vọt, nguồn hàng khan hiếm. Mặc dù các doanh nghiệp lỗ nặng nhưng không báo cơ quan chức năng, sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, vì thế cũng gây khó khăn cho việc giám sát những thương lái Trung Quốc”.
Sướng, khổ với tiêu
Vườn tiêu nhà ông Nguyễn Gia Am (xã Ea Hur, huyện Cư Kuin), chỉ còn lơ thơ vài hàng lá khô héo. Ông Am cho biết: Vườn tiêu gần 1.000 gốc này của nhà tôi cách đây mấy tháng còn xanh tốt, thì có hai anh thương lái vào xin mua rễ tiêu với giá gần 100 nghìn đồng/kg. Nếu biết tiêu bị bệnh chết như thế này thì khi đó tôi bán cũng thu được một khoản khá khá, giờ tiêu chết hết coi như mất trắng.
Cùng được thương lái đặt vấn đề mua rễ cây tiêu với giá cao, ông Nguyễn Văn Cương (huyện Cư Mgar) nói: “Tôi trồng mấy trăm trụ tiêu xen với cà phê, đất tốt nên tiêu ở đây rất đẹp và xanh mướt, cách đây hơn một tháng có mấy thương lái tới tận rẫy gia đình tôi gợi ý muốn mua rễ tiêu với giá gần 100 nghìn đồng/kg. Tôi không bán, vì cắt rễ rồi thì còn gì là cây nữa”.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cho biết: “Vụ thu hoạch vừa rồi có một số thương lái đến tận vườn tôi đặt mua hết tiêu với giá gần 200 nghìn đồng/kg, trong khi một số hộ gia đình trước đó chỉ bán được với giá gần 180 nghìn đồng/kg. Giá cao thế thu hoạch được 5 tấn tôi bán sạch, ai trả giá cao hơn thì mình bán thôi”.
Ngày 15/4/2015, ông Phạm Thái- Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk đã cảnh báo đề phòng thương lái Trung Quốc gây rối loạn thị trường hồ tiêu, sau đó xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Việc các thương lái mua gom hồ tiêu với giá cao tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Đào Chí - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thường trực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk, cảnh báo: Khi lượng hồ tiêu tập trung ra biên giới, nếu thương lái Trung Quốc lặp lại kịch bản không mua, chắc chắn chúng ta sẽ thiệt hại và rối loạn thị trường trong nước.
Theo Tiền phong