Báo cáo trên, do hãng Oxford Economics tổng hợp cho Ngân hàng HSBC, cho biết các nước trên mỗi nước được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trung bình 8% trở lên trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2030.
Đối với tương lai xa hơn, triển vọng thương mại còn có thể được tiếp tục thúc đẩy nhờ các biện pháp mới trong việc tự do hóa thương mại, với ngày càng nhiều các thỏa thuận thương mại quốc tế đang được đàm phán trong năm 2015.
Báo cáo cho biết tăng trưởng xuất khẩu của thế giới được dự báo sẽ tăng lên mức 8%/năm từ nay đến năm 2017 từ mức bình quân 1,5% trong giai đoạn 2012-2014. Mỹ và khối Euro có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu trong ngắn hạn cho đến khi các thị trường mới nổi phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn sau đó.
Trong ngắn hạn, triển vọng của các thị trường mới nổi sẽ bấp bênh, một phần do giá các hàng hóa tương đối thấp và do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, về trung hạn, tình hình thương mại toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi các nền kinh tế Châu Á đang tăng trưởng nhanh có thu nhập bình quân tăng.
Thương mại giữa các thị trường mới nổi sẽ đóng vai trò quan trọng hơn do tầng lớp trung lưu mở rộng. Do đó, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh được dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa mạnh nhất với mức bình quân 8% trở lên trong giai đoạn 2015-2030.
Một loạt các hiệp định thương mại đang được đàm phán, như Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ còn thúc đẩy thương mại hơn nữa.
Theo ông Simon Cooper, Giám đốc điều hành mảng Ngân hàng Thương mại Toàn cầu của HSBC, các hiệp định thương mại này, nếu được thông qua, sẽ có tác động rất lớn, và dù khó định lượng nhưng sẽ tạo cho các doanh nghiệp nhiều lý do để lạc quan.
Theo NCĐT