FIFA, Mafia và những đồng tiền bẩn

Thứ ba, 09/06/2015, 07:38
Việc ông Sepp Blatter phải từ chức chủ tịch FIFA sau khi mới vừa tái đắc cử là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại tổ chức này.    

Ngày 2.6.2015 đã trở thành một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử bóng đá thế giới, khi Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Sepp Blatter từ chức sau 17 năm liên tục cầm quyền. Đáng chú ý , sự ra đi này chỉ xảy ra 5 ngày sau khi Sepp Blatter ăn mừng chiến tích tái đắc cử lần thứ 5, sau khi các ứng viên khác lần lượt rút lui.

Trong suốt thời gian tại vị, Blatter đã biến FIFA trở thành một trong những thế lực thể thao và chính trị lớn nhất toàn cầu, có thể so sánh với bất kỳ một tổ chức quốc tế lớn khác như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ Quốc tế. Tổ chức này có đủ quyền năng để can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào. Và tất nhiên, trở thành một cỗ máy in tiền khổng lồ.

Đó là nhờ lợi nhuận thu về hằng năm từ các đài truyền hình, nhà quảng cáo, hàng loạt bản hợp đồng tài trợ cho nhiều sự kiện lớn của FIFA như World Cup, Giải vô địch bóng đá thế giới các lứa tuổi hay các giải đấu dành cho nữ giới. Đáng chú ý, nguồn thu mà các quốc gia đăng cai các sự kiện thực tế lại không đáng là bao.

Ví dụ như World Cup 2014 diễn ra tại Brazil đã mang về cho FIFA lợi nhuận kỷ lục 2,6 tỉ USD chỉ trong vòng hơn một tháng. Trái lại, số tiền mà FIFA tài trợ cho nước chủ nhà chỉ vỏn vẹn có 100 triệu USD, trong khi chỉ riêng chi phí xây dựng các sân vận động phục vụ cho sự kiện này đã ngốn ngân sách của Brazil tới 3,6 tỉ USD.

Với quyền lực cực lớn, các ủy viên điều hành FIFA cũng dễ dàng lợi dụng để mang lại những nguồn thu nhập bất chính, đặc biệt trong các đợt vận động bầu cử giành quyền đăng cai World Cup. Tuy vậy, từ trước đến nay, cảnh sát vẫn chưa tìm được các chứng cứ đủ sức thuyết phục để kết tội.

Nhưng lần này có thể khác. Trong vụ bắt giữ vừa qua, FBI cho biết đã thu nhập một số bằng chứng liên quan đến việc Nga và Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Thậm chí, hãng sản xuất đồ thể thao Nike cùng một số ngân hàng Mỹ cũng được cho là có liên quan đến các vụ đưa hối lộ cho quan chức cấp cao của FIFA.

Sepp Blatter là người rất khôn ngoan và mưu mẹo. Thời gian gắn bó gần 40 năm với FIFA trên các cương vị khác nhau đã biến ông này trở thành nhân vật bất khả xâm phạm, dù phải đối mặt với rất nhiều cáo buộc nhắm vào mình.

Năm 2002, Farra Ado, Phó Chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá châu Phi bị cáo buộc đã nhận 100.000 USD để bỏ phiếu cho Blatter trong cuộc bầu cử ghế Chủ tịch FIFA vào năm1998. Cũng trong năm này, Phó Chủ tịch FIFA Michel Zen-Ruffinen buộc phải từ chức khi công bố những sai phạm về quản lý tài chính dưới thời Blatter. Điều đáng ngạc nhiên là Blatter vẫn an toàn trong các đợt điều tra đó.

Năm 2004, tòa án New York buộc tội Jérôme Valcke, Giám đốc Tiếp thị của FIFA dối trá về tên tuổi các nhà tài trợ. Hậu quả là Valcke bị Blatter sa thải vào năm 2006. Nhưng chỉ một năm sau, ông này được Blatter tái bổ nhiệm làm Tổng Thư ký trong Ủy ban Điều hành của FIFA.

Trong cuộc bầu cử chiếc ghế Chủ tịch FIFA 2011, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á Mohammed Bin Hammam đã phanh phui những câu chuyện xấu liên quan đến ông Sepp Blatter. Nhưng sau đó, ông lại bị “bố già” này chơi lại bằng cách tố cáo dùng tiền mua phiếu bầu giúp Qatar được quyền đăng cai World Cup 2022. Hậu quả là Hammam đã bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn, còn Blatter tiếp tục giữ được ghế của mình.

Ông Sepp Blatter, cựu Chủ tịch FIFA - Ảnh: skysport.com
Ông Sepp Blatter, cựu Chủ tịch FIFA - Ảnh: skysport.com

Trong nhiệm kỳ của Sepp Blatter, mối quan hệ giữa FIFA với Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) ngày càng trở nên xấu. Vì thế, ngay sau khi Blatter từ chức, Chủ tịch đương nhiệm của UEFA Michel Platini đã mỉa mai rằng tổ chức lớn nhất bóng đá thế giới sẽ trong sạch hơn nếu Chủ tịch Blatter ra đi.

Như vậy, FIFA sẽ phải tổ chức lại cuộc bầu cử vị trí Chủ tịch mới. Thời gian dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay. Tiếc rằng sau sự cố lần này, uy tín và hình ảnh của FIFA có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để hồi phục.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn