Ngay sau khi TPP kết thúc đàm phán, nhiều chuyên gia lo ngại các doanh nghiệp sữa sẽ bị "đè bẹp" bởi sẽ phải cạnh tranh với sữa New Zealand, Úc chất lượng tốt và giá rẻ.
Mối lo cho bò sữa
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, TS. Hà Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Hanoi milk lạc quan cho rằng, sau khi gia nhập TPP, ngành sữa sẽ là một trong số ít ngành mà DN Việt có đủ khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài.
"Không thể chủ quan, song với trình độ công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế, sự am hiểu thị trường và với tổng mức đầu tư của ngành sữa lên tới nhiều tỷ đô la cho các nhà máy, trang trại, hệ thống phân phối, thương hiệu... như hiện nay, không thể có chuyện các DN sữa trong nước bị co cụm mà thậm chí còn lớn mạnh hơn trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài. Nói tóm lại là ngành sữa Việt Nam có khả năng cạnh tranh lành mạnh cả về giá và chất lượng với các DN nước ngoài", ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, ông cũng tự tin khẳng định, cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em. Với những sản phẩm khác như sữa tươi, sữa nước, sữa chua... DN sữa trong nước đang hoàn toàn làm chủ trên sân nhà. Do vậy các sản phẩm chính của Hanoi milk ít bị ảnh hưởng sau khi gia nhập TPP.
Hơn nữa, sữa tươi sau khi vắt sữa cần được bảo quản lạnh và chế biến trong 24h, do vậy các DN nước ngoài sẽ rất khó vận chuyển sữa tươi vào Việt Nam để cạnh tranh.
Mặc dù ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi ký kết TPP nhưng theo ông Hà Quang Tuấn riêng chăn nuôi bò sữa thì không bị ảnh hưởng nhiều vì DN ngoại gặp khó khăn về bảo quản và vận chuyển sữa tươi vào Việt Nam. Trái lại ngành chăn nuôi bò sữa còn có nhiều cơ hội nhập khẩu thức ăn và giống tốt với thuế nhập khẩu về 0%.
"Việc điều chỉnh giá thu gom sữa tươi từ các hộ chăn nuôi có thể xảy ra, nhưng đây là câu chuyện khác không liên quan đến TPP. Hiện tại các Công ty sữa cạnh tranh đẩy giá thu gom sữa tươi lên khá cao khoảng trên 14.500đ/lít. Hơn nữa, theo tôi trào lưu các DN sữa và các đại gia nhảy vào đầu tư trang trại với quy mô hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con bò sữa sẽ làm tăng nhanh nguồn cung sữa tươi trong ngắn hạn và có thể điều chỉnh giảm giá thu gom sữa tươi về mức giá hợp lý khoảng trên 12.000đ/lít", ông Tuấn nói.
Theo ông Hoàng Công Trang- Phó TGĐ Tập đoàn TH True Milk, nếu VN gia nhập TPP, thực phẩm từ các nước có nhiều ưu thế về chăn nuôi tràn vào VN thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, tác động đã nhìn thấy hiển hiện. Như vừa qua, giá gà Mỹ bán vào VN chỉ 20.000 đồng/kg hay giá sữa bột giảm sâu chỉ còn hơn 6.300 đồng/kg khiến nông dân đổ bỏ sữa ra đường, doanh nghiệp chế biến sữa tươi gặp nhiều khó khăn, đàn bò sữa bị hẹp.
Phân tích tiếp, ông Trang cho biết, việc nhập khẩu sữa bột vào VN sẽ diễn ra theo xu hướng ồ ạt nếu giá xuống thấp và thuế suất về VN bằng 0. Việc này sẽ phá vỡ xu hướng tiêu dùng sữa hiện nay là hướng tới sử dụng sữa tươi.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu sữa tươi sẽ thuận lợi nhiều hơn so với trước. Điều này gây bất lợi cho các thương hiệu sữa tươi trong nước. Thực tế là đối với sữa nhập khẩu thì người tiêu dùng luôn tin rằng sản phẩm đó thật sự là 100% sữa tươi, trong khi đối với sữa dạng lỏng trong nước thì đang có sự nhập nhằng giữa sữa pha lại với sữa tươi do những quy định hiện hành. Điều này làm mất lợi thế chính đáng của sữa tươi trong nước ngay tại sân nhà và tạo thêm lợi thế cho hàng nhập khẩu.
Do đó, theo ông Trang vấn đề mấu chốt là quy chuẩn sữa cần được minh bạch, rõ ràng để tạo sự công bằng cho ngành sữa tươi Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu của mình. Cần đưa ra hạn ngạch nhập khẩu sữa bột nhằm giảm tỷ lệ sữa nước làm từ sữa bột trên thị trường…
“Nếu không sớm thay đổi tên gọi “sữa tiệt trùng” sẽ triệt tiêu sức cạnh tranh của ngành sữa khi Việt Nam gia nhập TPP. Vì thế, tháo gỡ khó khăn ở lĩnh vực này cũng đồng thời là giải pháp để vực các nông hộ, trang trại chăn nuôi bò sữa. Việc thống nhất quy chuẩn cũng giúp bảo vệ bền vững thương hiệu gắn với sữa tươi”, ông Trang chia sẻ.
Ông Phan Sĩ Minh, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP) cũng cho rằng, TPP mang lại cả cơ hội và thách thức. Nhưng thách thức đến đâu tùy vào sự chuẩn bị của mỗi doanh nghiệp để vượt qua. Bởi ngay thị trường trong nước cũng phải cạnh tranh, nếu doanh nghiệp biết cách làm thì chắc chắn sẽ vươn lên.
Theo ông cơ hội mà TPP mang lại đó chính là nguyên vật liệu giá rẻ hơn. Mặc dù sản xuất sữa tươi trong nước sẽ gặp khó khăn nhưng chúng ta có lợi thế vì đã xây dựng được thương hiệu. Hơn nữa, sữa nước ngoài giá rẻ nhưng khi về Việt Nam sẽ mất nhiều chi phí như vận chuyển, bao bì, bảo quản, do đó sữa tươi trong nước vẫn có lợi thế. Điều cốt yếu để cạnh tranh là phải đảm bảo chất lượng và cạnh tranh về giá. Ngành chăn nuôi bò sữa trong nước cần phải thay đổi lớn để nâng cao năng suất, hạ giá thành.
Sẵn sàng dàn thế trận
Nhận định khi gia nhập TPP ngành sữa sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng ông Trang khẳng định, trước và sau khi TPP kết thúc đàm phán, TH vẫn kiên trì với con đường sữa tươi sạch ngoài chế biến các sản phẩm sữa nước, sữa chua, đầu tư đa dạng hóa sản phẩm phô mai, bơ…Chiến lược của Tập đoàn là chủ động sản xuất nguyên liệu, thúc đẩy chăn nuôi trong nước, đẩy mạnh thị phần sữa tươi sạch trong nước và hướng tới xuất khẩu.
“Tôi tin rằng chỉ khi chúng ta đoàn kết, cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh thương hiệu thì mới có chỗ đững trong TPP và biến cơ hội thành những lợi ích thực tế cho đất nước”, ông Hoàng Công Trang chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo Hanoi milk cho biết hiện nay công ty cũng đang thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại Mê Linh với quy mô ban đầu 2000 con bò sữa, sau tăng lên 4000 con bò để có nguồn sữa tươi tự nhiên chất lượng cao.
"Khi đã chấp nhận ra biển lớn, doanh nghiệp phải mạnh tay chèo. Thực sự chúng tôi không quá lo lắng về TPP bởi hiện nay chúng tôi đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng dàn thế trận”, ông Minh nói.
Theo Infonet