Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh Bắc chia sẻ những cơ hội cũng như khó khăn khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP.
Đứng đầu một doanh nghiệp lớn, đồng thời là doanh nhân tham gia tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, ông đánh giá thế nào về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP?
Hiệp định Thương mại TPP sau 5 năm đàm phán đã đạt được trên 90%, thời điểm này chỉ chờ Quốc hội các nước thông qua. TPP là thành công chung của thế giới và được đánh giá là hiệp định thế kỷ. Tự do hóa toàn cầu là xu hướng tất yếu, người tiêu dùng được lợi.
Tham gia TPP là thành công vô cùng to lớn của Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của đoàn đàm phán, của Chính phủ Việt Nam. Thực tế, trong TPP, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.
TPP hay hơn các hiệp định thương mại tự do khác. Với những hiệp định thương mại Việt Nam đã từng tham gia, các thành viên cần xây dựng lộ trình thực hiện. Nhưng với TPP, nhiều nước thành viên như Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản,...dự kiến tiến hành giảm thuế ngay lập tức. Riêng Việt Nam là thành viên được ưu tiên lộ trình thực hiện các yêu cầu của TPP chậm hơn ở một vài lĩnh vực như dệt may, hay ngành chăn nuôi.
Trong TPP, lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực giá rẻ, đây cũng là tiềm năng để thu hút đầu tư sản xuất từ nước ngoài. Đặc biệt, nguồn vốn sẽ không chỉ đổ vào dệt may, các ngành điện tử cũng sẽ cần lượng nhân công lớn.
Việt Nam cũng sẽ được các nước phát triển chuyển giao công nghệ thay vì việc phải nhập khẩu khoa học công nghệ từ các nước không nằm trong TPP. Các nước lớn cũng được hưởng lợi từ việc chuyển giao này, đó là tăng nguồn giá trị trong nước. Vì nếu hàng hóa và nguyên liệu không chiếm tỷ trọng lớn từ các nước TPP, sẽ không được chấp nhận.