Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo bắt đầu xem xét nên áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gia cầm nhập khẩu hay không. |
Phát biểu tại hội thảo về phòng vệ thương mại do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 14/10, bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện Bộ đang rà soát toàn diện những vấn đề liên quan tới việc nhập khẩu các sản phẩm gia cầm từ nước ngoài, đặc biệt là với đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.
“Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo bắt đầu xem xét nên áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng này hay không. Tuy nhiên, muốn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần dựa trên căn cứ chắc chắn, không thể đặt các giả thiết cảm tính”, bà Hạnh nói.
Do đó, theo đại diện Bộ Nông nghiệp, phải sau khi có kết quả rà soát toàn diện dự kiến vào ngày 30/10 thì mới có thể quyết định xem xét thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.
Vị này cũng cho hay, nếu doanh nghiệp khởi kiện, Bộ sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên, hiện với mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm trên thị trường đang đạt khoảng 1 triệu tấn trong khi lượng nhập khẩu chỉ khoảng 70 - 80 nghìn tấn, chiếm 7 - 8% thị phần. Do đó, cần xem xét có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước hay không.
“Một trong những yêu cầu khởi kiện là phải gây tổn thất nghiêm trọng đến sản xuất trong nước. Để đi kiện cũng phải có tư cách đi kiện, nhóm doanh nghiệp khởi kiện cộng vào phải ít nhất chiếm 25% tổng sản lượng hàng hoá trên thị trường và đồng thời nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất chiếm ít nhất 50% sản lượng”, bà Hạnh nói.
Ngoài ra, theo vị này, việc khởi kiện cũng rất tốn kém với mức chi phí chỉ để làm hồ sơ khởi kiện tại Mỹ lên tới 20.000 USD, chưa kể khoản phát sinh thêm. Nếu theo đến cùng, chi phí có thể lên tới cả triệu USD.
"Đây cũng là bài toán khó cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp thường không có khoản trích nào để dành riêng cho khả năng sử dụng các công cụ phòng vệ. Doanh nghiệp không phải nộp tiền cho cơ quan nhà nước để cơ quan Nhà nước điều tra nhưng phải bỏ tiền ra để đi kiện với tư cách nguyên đơn”, bà Hạnh nói.
Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng cho rằng: “Khởi kiện chỉ là biện pháp tạm thời, vấn đề quan trọng là ngành chăn nuôi trong nước phải tăng cường khả năng cạnh tranh. Bởi hiện với mức giá 20 nghìn đồng/kg gà đông lạnh về ngắn hạn chưa gây tác động nhưng về lâu dài không tránh khỏi ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước”.
Bà Hạnh cũng đặt vấn đề: “Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi về trường hợp muốn bảo vệ gà thì chúng ta có chấp nhận để một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như dệt may chịu sự trả đũa”.
Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, việc cơ quan Nhà nước bắt tay vào việc xem xét khả năng có thể đi kiện phòng vệ thương mại được hay không là thông tin tích cực.
“Nhưng những cái chúng ta tự tìm hiểu mới chỉ là dấu hiệu, không phải bằng chứng đi kiện. Giá gà Mỹ bán ở siêu thị không phải chỉ thể hiện ở vài bức ảnh, cần tìm hiểu cụ thể giá xuất xưởng. Giống như quần áo Trung Quốc vẫn bị nghi là bán phá giá tại Việt Nam nhưng khi sang Trung Quốc, chúng ta nhận thấy tại đó giá cũng rẻ như vậy”, bà Trang lưu ý.
Trước đó, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ và Đồng Nai đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với gà nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ và Đồng Nai, giá đùi gà được bán ở Mỹ vào khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi giá đùi gà có xuất xứ từ Hoa Kỳ được bán tại Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Tương tự, giá gà nguyên con tại Hoa Kỳ vào khoảng 200.000 đồng/kg, trong khi giá gà nguyên con của Hoa Kỳ bán tại thị trường Việt Nam chỉ là 60.000 đồng/kg.
Đáp lại, phía Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Hoa Kỳ (USAPEEC) cũng đã có văn bản chính thức khẳng định, một số phần thịt của gà Mỹ được bán tại Việt Nam ở mức giá tương tự hoặc cao hơn so với mức giá ở Hoa Kỳ, do đó, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các sản phẩm thịt gà này không bị bán phá giá.
Theo Dân Trí