Không có dấu hiệu gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam bị quá hạn hay sắp hết hạn, kém chất lượng |
Đây là nội dung trong phần trả lời chính thức bằng văn bản của Cục chăn nuôi gửi cho báo chí liên quan đến chất lượng thịt gà nhập khẩu từ Mỹ giá rẻ, gây hoang mang cho cả ngành chăn nuôi và người tiêu dùng thời gian qua. Thời báo Kinh tế Sài Gòn lược ghi.
Liệu có khả năng đùi gà, cánh gà và chân gà…nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam là sản phẩm từ vùng dịch bệnh của Mỹ không, thưa ông?
- Ông Đàm Xuân Thành:Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm tại 13/50 bang của Hoa Kỳ vào cuối tháng 4-2015, Cục Thú y đã đề nghị Bộ NNPTNT ban hành văn bản tạm dừng nhập khẩu gia cầm sống và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến từ các trang trại có dịch cúm gia cầm theo đúng quy định của tổ chức Y tế Thế giới, giống như biện pháp mà các nước áp dụng với sản phẩm thịt gia cầm của Hoa Kỳ.
Ngày 27-4, Bộ NNPTNT đã có công văn 3381 về việc tạm dừng việc nhập khẩu gia cầm sống và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến từ những bang có dịch của Mỹ kể từ ngày 1-5. Đối với những vùng không có dịch cúm gia cầm thì sản phẩm gia cầm Mỹ vẫn được nhập vào Việt Nam bình thường. Tất cả các sản phẩm gia cầm của Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam đều có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Mặt khác, Bộ NNPTNT cũng đã chủ động ban hành thông báo không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với gia cầm từ các bang đang có dịch cúm gia cầm. Tất cả các sản phẩm gia cầm đông lạnh từ Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam đều được Bộ NNPTNT chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch bệnh đối với sản phẩm thịt gà từ Mỹ vào Việt Nam đang được thực hiện như thế nào? Liệu những sản phẩm thịt gà này đã hết hạn sử dụng không?
Tất cả các lô hàng gà đông lạnh từ Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam đều được các cơ quan thú y ở cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ và đều có nguồn gốc từ các bang không có dịch bệnh. Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm vi rút gia cầm trong các lô hàng sản phẩm thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 9 mẫu đùi gà đông lạnh từ Hoa Kỳ, để xét nghiệm vi rút gia cầm, và không phát hiện có vi rút gia cầm từ tất cả các mẫu xét nghiệm.
Tất cả các lô hàng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam đều được lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có một lô hàng sản phẩm thịt gà tẩm bột (gần 800kg) không đạt tiêu chuẩn do nhiễm vi khuẩn Salmonella và đã bị tiêu hủy.
Theo báo cáo của các cơ quan thú y cửa khẩu, tất cả các lô hàng thịt gà từ Mỹ vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015, khi nhập khẩu về đến cửa khẩu đều còn hạn sử dụng từ 7 tháng trở lên, tính từ ngày sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
Nhiều người cho rằng, sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam là tạm nhập tái xuất sau đó thẩm lậu vào Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tổng số sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh làm thực phẩm (thịt bò, trâu, dê, cừu, heo, gà) nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2015 là hơn 93.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm thịt gà nhập từ Hoa Kỳ là hơn 45.500 tấn và chủ yếu là thịt đùi gà đông lạnh, chiếm đến 97% sản phẩm thịt nhập từ Hoa Kỳ.
Hiện nay, 85% sản phẩm thịt gà có nguồn gốc từ Hoa Kỳ được nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng biển TPHCM và chỉ 15% qua cảng Hải Phòng. Các cơ quan thú y đã kiểm tra sản phẩm thịt gà khi nhập khẩu qua các cửa khẩu này.
Việc kinh doanh sản phẩm tạm nhập tái xuất thịt gia súc, gia cầm theo hình thức tạm nhập tái xuất chỉ diễn ra ở một số tỉnh phía Bắc, sản phẩm thịt được tạm nhập vào Việt Nam qua cảng biển Hải Phòng và cảng biển Cái Lân (Quảng Ninh). Hàng hóa được niêm phong kẹp chì trong các container lạnh và được cơ quan hải quan và thú y giám sát trong quá trình làm thủ tục nhập và sau đó phải tái xuất hết qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Cục Thú y đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước. Nếu phát hiện các sản phẩm thịt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thông báo, cảnh báo cho các cá nhân, tổ chức liên quan ở trong và ngoài nước.
Theo TB KTSG