Mở cửa đón vốn ngoại

Thứ sáu, 21/08/2015, 12:03
Công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản, vận chuyển, xây dựng, phát triển hạ tầng... là những lĩnh vực đang được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào

Tập đoàn Samsung vừa rót thêm 3 tỉ USD vào dự án của Công ty TNHH Samsung Display nằm trong KCN Yên Phong (Bắc Ninh), nâng tổng mức đầu tư của dự án này lên 4 tỉ USD.

Không ngừng bơm vốn

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, ông Han Myong-sung, cho biết Samsung không chỉ muốn trở thành doanh nghiệp (DN) nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất, xuất khẩu lớn nhất mà còn muốn đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực... Hiện Tập đoàn Samsung đã rót vào Việt Nam hơn 14 tỉ USD. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu của nhà đầu tư Hàn Quốc này đạt hơn 26 tỉ USD và dự kiến cả năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 32 tỉ USD.

49% cổ phần của Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim đã được bán cho nhà đầu tư nước ngoài

Một nhà đầu tư khác cũng đến từ Hàn Quốc là Tập đoàn LG, vừa khai trương nhà máy 1,5 tỉ USD tại Hải Phòng để sản xuất, lắp ráp hàng điện, điện tử. Ban đầu, tổng vốn của LG dự kiến chỉ khoảng 300 triệu USD nhưng sau đó, “ông lớn” này quyết định tăng vốn gấp 5 lần, đưa Việt Nam trở thành thị trường trọng điểm của tập đoàn.

Hàng loạt ngành hàng khác như dệt may, da giày, đồ gỗ... cũng chứng kiến sự “đổ bộ” của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đón đầu lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực này ngày càng lấn át, cho thấy tiền đổ vào để đầu tư không ngừng tăng lên.

Đơn cử ngành dệt may, 3 trong 4 dự án có vốn đầu tư lớn được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhắc đến trong 7 tháng đầu năm đều rơi vào lĩnh vực dệt may, sản xuất gia công các loại sợi hoặc sản phẩm may mặc cao cấp.

Ngay lĩnh vực vận chuyển, logistics, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Maersk Logistics, APL Logistics, NYK Logistics, MOL Logistics cũng đã có mặt tại Việt Nam và không ngừng mở rộng sự ảnh hưởng bằng cách thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết với DN nội địa.

Hấp dẫn thị trường bán lẻ

Vốn ngoại đổ vào dồn dập nhất có lẽ là trong lĩnh vực bán lẻ khi hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới đang tăng cường mở rộng thị phần tại Việt Nam. Cùng với sự kiện sắp đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại Aeon Long Biên - Hà Nội vào tháng 10-2015, ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam (Tập đoàn Aeon Nhật Bản), cho biết giữa năm sau sẽ khởi công Aeon Bình Tân, TP HCM.

Cùng với 2 trung tâm thương mại đang hoạt động, Aeon đã, đang mở thêm các trung tâm mới, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cho ra đời 20 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020. Tập đoàn này còn tăng độ bao phủ thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại 30% cổ phần hệ thống siêu thị Fivimart ở miền Bắc và 49% cổ phần hệ thống Citimart ở miền Nam.

Được biết đến là một nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc và đã “đuổi” Walmart ra khỏi thị trường này, Tập đoàn Emart đang rót 60 triệu USD xây đại siêu thị tại dự án khu dân cư cao cấp Cityland Garden Hills (quận Gò Vấp, TP HCM). Đây là dự án đầu tiên trong chuỗi 17 đại siêu thị Emart sẽ mở tại Việt Nam. Chưa hết, đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group cũng đã mua 49% cổ phần Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim. Walmart, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, cũng đánh tiếng sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM...

Thời điểm chín muồi

Theo lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM, không phải thời điểm này, các nhà bán lẻ ngoại mới đổ bộ vào Việt Nam mà họ đã có sự tính toán, cân nhắc kỹ để chọn thời điểm chín muồi. Một loạt thương vụ mua bán, sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong nước với nhau, nhà bán lẻ trong nước với nhà bán lẻ nước ngoài đã và đang diễn ra. Dự kiến thời gian tới, thị trường tiếp tục chứng kiến làn sóng mua đi bán lại các chuỗi bán lẻ và lúc đó những ông chủ ngoại đích thực sẽ xuất hiện.

Trong lĩnh vực dệt may, da giày, một chuyên gia kinh tế cho biết những con số về vốn đăng ký đầu tư mới chỉ là bề nổi và không thấy được làn sóng vốn ngoại vào Việt Nam mạnh như thế nào. Khoảng 2-3 năm nay, DN FDI âm thầm rót vốn thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập để có cổ phần trong các DN nội địa.

“Vốn ngoại ồ ạt đổ vào sẽ giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm và tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi DN ngoại chiếm lĩnh thị trường, DN nội phải chật vật cạnh tranh với những đối thủ quá lớn, quá mạnh, là thách thức rất lớn cần có giải pháp hóa giải ngay từ bây giờ” - TS Lê Đăng Doanh lo ngại.

Sẽ còn bùng nổ

Theo luật sư Châu Huy Quang, Hãng luật Rajah &Tann LCT Lawyers, trong bối cảnh Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường rộng hơn theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới và đang tham gia đàm phán nhiều FTA đã tạo điều kiện cho DN nước ngoài an tâm đầu tư với quy mô lớn và lâu dài tại Việt Nam.

Ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho rằng FTA Việt Nam và EU vừa kết thúc đàm phán sẽ mở ra nhiều cơ hội, thêm nhiều DN từ EU đến Việt Nam làm ăn, quan hệ thương mại giữa 2 bên sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. DN khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang các nước khác mà còn cung cấp cho cả người tiêu dùng Việt Nam. “Chúng tôi muốn thấy sự có mặt nhiều hơn các DN EU ở Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà cả trong chế tạo, dịch vụ - vốn là thế mạnh của châu Âu” - ông đại sứ nhấn mạnh.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn