Những ngày qua, thông tin đồn đoán rằng, Eximbank sẽ là ngân hàng thứ hai, sau DongA Bank, rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Thực hư việc này ra sao?
Thị trường những ngày qua xuất hiện thông tin Eximbank khó tránh khỏi diện bị kiểm soát đặc biệt, tương tự như DongA Bank. Đáng chú ý là, trong ngày 18/8, có thông tin rằng, Chủ tịch Eximbank bị bắt. Tôi khẳng định, các thông tin trên đều không đúng sự thật.
Vừa qua, một số nguồn tin không đúng về Eximbank đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư cổ phiếu của Eximbank. Trong chiều muộn ngày 18/8, Eximbank đã có văn bản khẳng định, Eximbank sẽ không bị kiểm soát đặt biệt như tin đồn.
Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank |
Ông có thể cho biết, tình hình hoạt động của Eximbank hiện nay ra sao?
Tình hình hoạt động của Eximbank đang ổn định và bền vững. Cụ thể, đến hết quý II/2015, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt 15%, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi duy trì ở mức 75%. Eximbank cũng đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN như tỷ lệ nợ xấu 2,09%; lợi nhuận trước thuế đạt 567 tỷ đồng Việt Nam, hoàn thành 57% kế hoạch năm 2015. Các số liệu nêu trên được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Ernst & Young.
Với kết quả hoạt động nêu trên, tôi khẳng định, Eximbank hoàn toàn không có sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước như những tin đồn vừa qua, cũng như không có chuyện Chủ tịch Ngân hàng Eximbank bị bắt.
Nhưng vì sao lợi nhuận của Eximbank quý II/2015 chỉ đạt vỏn vẹn 27 tỷ đồng, thưa ông?
Sở dĩ lợi nhuận trong quý II/2015 của Eximbank giảm mạnh do chi phí hoạt động phát sinh mạnh, tăng tới 32%, lên 600 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm 46%. Chi phí dự phòng quý II/2105 của Eximbank cũng tăng 14% lên 166 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế còn lại 28,9 tỷ đồng, giảm 87% so với quý II/2014. Sau thuế, ngân hàng lãi vỏn vẹn 26,9 tỷ đồng.
Chủ trương của HĐQT, Ban điều hành Eximbank là phải trích lập dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến lợi nhuận. Điều này đã được Eximbank đưa ra từ giữa năm ngoái và Eximbank đã sớm trích lập dự phòng trong quý II năm nay. Đó cũng chính là lý do vì sao lợi nhuận của Eximbank giảm trong quý này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, yếu tố cần thiết nhất lúc này là phải dự phòng đầy đủ, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Tình hình xử lý nợ xấu cũng như bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại Eximbank đến nay ra sao?
Trong 6 tháng đầu năm nay, Eximbank đã bán được 75% nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu nợ xấu được giao và xử lý thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Kế hoạch từ nay đến cuối năm, Eximbank sẽ bán tiếp 500 tỷ đồng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến lợi nhuận Eximbank giảm trong quý II/2015.
Lý do là, nợ xấu bán cho VAMC chủ yếu được các ngân hàng thực hiện trong quý II/2015, nên đòi hỏi dự phòng lớn. Để đạt chỉ tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng đưa ra cho năm nay, Eximbank sẽ xử lý khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2015. Ngân hàng kỳ vọng bất động sản hồi phục sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận.
Với tình hình như hiện nay, liệu Eximbank có tăng trưởng bền vững trong thời gian tới?
Tháng 8/2015, Eximbank được Tạp chí The Banker tiếp tục xếp hạng vào Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới năm 2015. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Eximbank vinh dự đứng trong bảng xếp hạng những ngân hàng hàng đầu thế giới. Việc được xếp hạng nêu trên đã minh chứng cho sự phát triển bền vững của Eximbank trong giai đoạn hội nhập.
Theo Báo ĐầuTư