Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T |
Khi đăng ký gặp, họ rất ngạc nhiên là một ông Chủ tịch HĐQT ngân hàng mà lại mang catalogue đi chào bán cá. Tôi phải thuyết phục Bình An giờ đã được SHB vào tái cấu trúc, cho nên con người mới, công nghệ mới, quy trình sản xuất mới, chất lượng mới và đặc biệt là uy tín mới, đảm bảo đủ năng lực tài chính, uy tín, chất lượng... Đến nay, chúng tôi đã thiết lập được một số đầu mối tại thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu khá ổn định.
Sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) và xử lý khối nợ xấu tới hơn 16%; vực dậy Công ty Thủy sản Bình An bên bờ vực phá sản; mua 98% cổ phần cảng Quảng Ninh và đưa lợi nhuận tăng hơn 300% sau nửa năm... là những việc khiến ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, từ một kỹ sư vô tuyến trở thành đại gia nổi tiếng với những thương vụ đình đám.
Kết quả ấy, theo chia sẻ của Bầu Hiển với PV, là cả một quá trình gian khó, gian khổ nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.
“Có duyên” với… mua bán, sáp nhập doanh nghiệp?
Chịu sự cạnh tranh của cảng Hải Phòng và cảng Quốc tế Container Cái Lân (CICT) liền kề, sản lượng hàng hóa qua cảng Quảng Ninh đã sụt giảm 3 năm liên tiếp. Vì sao T&T quan tâm, đầu tư vào dự án này, thưa ông?
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), hai năm qua, Bộ GTVT đã triển khai hàng loạt giải pháp, thúc đẩy nhanh và thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế, năng lực quản trị điều hành, uy tín tham gia và đã có những chuyển động tích cực. Cụ thể như các doanh nghiệp xây dựng, các CIENCO của Bộ GTVT, sau khi được tiếp thêm nguồn lực tài chính, nhân lực, quản trị... đều đã tăng trưởng cả về doanh thu, lợi nhuận cũng như đời sống của người lao động.
Ngoài các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, Bộ GTVT cũng CPH các cảng, trong đó có cảng Quảng Ninh và đây là cơ hội cho Tập đoàn T&T.
Ông Đỗ Quang Hiển kể cách phi lê cá... sát tận xương |
Sau khi “vào tay” T&T, cảng Quảng Ninh 6 tháng đầu năm 2015 đạt doanh thu 185 tỷ đồng, lợi nhuận 26,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2014 chỉ là 132/1,7 tỷ đồng. Kết quả này có được do đâu?
Điều đầu tiên khi chúng tôi tham gia quản trị, điều hành cảng Quảng Ninh là tổ chức họp với cán bộ quản lý, đại diện công đoàn... Chúng tôi khẳng định, T&T tham gia cảng Quảng Ninh với mong muốn phát triển cảng theo hướng nâng cao năng lực quản lý điều hành, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống của cán bộ công nhân viên (CBCNV). Đến nay, chúng tôi vẫn đảm bảo việc làm cho gần 1.000 CBCNV, song có sự sắp xếp lại cho phù hợp với năng lực chuyên môn cũng như đưa ra cơ chế khuyến khích để họ cống hiến.
Ngoài ra, chúng tôi cũng học hỏi, nhờ tư vấn từ các cảng lớn quốc tế như Đức, Nhật Bản, Singapore... để cải tiến công nghệ, quản lý, quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển cảng theo tiêu chuẩn hiện đại quốc tế và mang tầm cỡ khu vực.
Sáp nhập Habubank vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Tái thiết cổ phần Thủy sản Bình An, và giờ là mua cảng Quảng Ninh... Có vẻ như ông rất có “duyên” với hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp?
Trong hầu hết các trường hợp mua bán - sáp nhập, đơn vị bị sáp nhập đều trong tình trạng khó khăn. Do vậy, nếu nói về cá nhân, tôi nghĩ không ai thích lao đầu vào khó khăn mà thường chọn việc “ngon” để làm. Nhưng bên cạnh mục tiêu làm giàu cho doanh nghiệp, tôi tin có nhiều doanh nhân còn mong muốn làm được điều gì đó để đóng góp cho xã hội. Và chúng tôi cũng có mong muốn đó…
Qua quá trình xử lý khó khăn, giữ cho doanh nghiệp tồn tại, dần ổn định và phát triển, tuy vất vả nhưng sau đó cũng có kết quả ngọt bùi. Chẳng hạn, sau khi sáp nhập với SHB, toàn thể nhân viên, khách hàng của Habubank cũng vẫn được duy trì ổn định, hòa nhập, phát triển cùng SHB. Thủy sản Bình An đến giờ mặc dù chưa dám khẳng định là tốt, nhưng tôi có thể nói đã tạm ổn. Dù nợ đọng của công ty không phải một, hai năm mà có thể xử lý dứt điểm, song nông dân đã được trả nợ và tiếp tục nuôi trồng thủy sản, cung cấp cho Bình An. Hàng nghìn công nhân của nhà máy tiếp tục trở lại làm việc, nhà máy không bị phá sản...
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, cảng Quảng Ninh đã có lợi nhuận 26,6 tỷ đồng - Ảnh: CVHHQN |
Bánh mỳ và những cuộc họp thâu đêm
Thư ký cho biết, hôm qua, cuộc họp của ông với các cán bộ giúp việc kết thúc lúc 2h sáng; những buổi làm việc kéo dài đến 12h đêm không hiếm. Động lực nào mà ông có thể làm việc tận tâm, say mê đến vậy?
Xuất thân đầu tiên là nhà khoa học (kỹ sư vật lý vô tuyến), sau đó ngẫu nhiên kinh doanh hàng điện tử điện lạnh, sau đó đến xe máy, hiện ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) - chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nắm trong tay hàng loạt các công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm... Sau khi mua cảng Quảng Ninh, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển tiếp tục mua 30% cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải. |
Thời điểm 2012, tôi nhớ chính xác là ngày 22/8, tôi vào Công ty Thủy sản Bình An, nhìn thấy bà con nông dân biểu tình, băng rôn, biểu ngữ giăng kín trước cửa nhà máy cũng như trước nhà chị Diệu Hiền. Anh Trí, chồng chị Diệu Hiền hứa, đến ngày 30/8, nếu không lo trả được nợ sẽ giao nhà máy cho người nông dân. Tôi được biết, nhiều nông dân đã thế chấp cả… chuồng heo, vay ngân hàng mua giống, mua thức ăn nuôi cá bán cho thủy sản Bình An, giờ doanh nghiệp không trả được nợ, họ gần như rơi vào đường cùng. Đứng trước tình cảnh như vậy, không thể thờ ơ được. Nếu nhà máy buộc phải giao vào tay người nông dân, họ làm sao quản lý nổi, thậm chí phá hỏng, làm thất thoát hết dây chuyền, máy móc, tài sản. Khi đó, công nhân không có việc làm, người nông dân sẽ tay trắng và các ngân hàng không thể thu nổi nợ.
Tôi lúc đó đã yêu cầu SHB làm việc với các chủ nợ, ngân hàng để khoanh nợ lại cho Bình An, đồng thời đứng ra cho vay trả nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tôi vẫn nhớ, khi kế toán ngồi đối chiếu nợ với người nông dân, tôi ngồi bên cạnh. Có bác nông dân tìm mãi trong ruột tượng lấy ra một tờ hóa đơn xuất cá cho Bình An trị giá 1 triệu đồng được ép plastic và tôi hiểu đó là cả gia tài của họ. Lúc đấy tôi càng thấm thía nỗi khổ của họ và rất cảm động, chia sẻ.
Thế nên giờ tôi rất mừng khi đã trả nợ được cho người nông dân để họ trả nợ ngân hàng và tiếp tục nuôi cá, tiếp tục gửi niềm tin cho Bình An. Họ nói với tôi, không bao giờ nghĩ có thể thu được nợ, thậm chí chỉ lấy lại được 10, 20% cũng là mừng lắm rồi.
Quá trình lăn lộn với những công việc khó khăn, “xương xẩu” cho ông kinh nghiệm quý báu gì?
Việc trả nợ nông dân mới chỉ là xử lý ban đầu. Quá trình trực tiếp tham gia tái cấu trúc lại nhà máy, doanh nghiệp thực sự là một “cuộc chiến” rất gian khổ. Bởi muốn vực một nhà máy không chỉ có vấn đề tài chính, mà còn phải thiết lập lại toàn bộ công nghệ, quy trình sản xuất, đào tạo công nhân cho đến hệ thống máy móc, thiết bị... Trong một năm liền, tháng nào tôi cũng phải từ Hà Nội vào Cần Thơ, họp với các cán bộ quản lý nhà máy từ trưa cho đến 12h đêm. Nhiều hôm, được cán bộ hành chính mua cho chiếc bánh mỳ ở chợ huyện, nhân toàn mỡ nhưng đói quá cũng phải ăn.
May mắn là tôi đã có kinh nghiệm 20 năm quản trị, quản lý các doanh nghiệp sản xuất nên không quá “bỡ ngỡ” khi tiếp nhận Thủy sản Bình An, song cũng phải học, phải làm nhiều việc rất mới mẻ. Nói thật, từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ biết làm cá mà chỉ có mẹ, rồi vợ làm cá cho tôi ăn. Nhưng sau khi vào Bình An một thời gian, tôi đã tường tận các công đoạn làm cá phi lê. Mà sản phẩm này đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, miếng phi lê chỉ cần dính một chút xương cũng không được, chưa kể lọc da, ướp cá để giữ được hương vị... Bản thân tôi cũng phải tìm hiểu từng chi tiết, từ cách cầm dao đến chọn vị trí để đặt dao, thao tác thế nào...
Làm việc cũng là… hưởng thụ
Từ Habubank, Thủy sản Bình An đến cảng Quảng Ninh, ông thấy tái thiết đơn vị nào khó khăn nhất?
Với Habubank, lĩnh vực ngân hàng chúng tôi ít nhiều đã có kinh nghiệm. Khó khăn nhất là Thủy sản Bình An, vì nó đã đến giai đoạn phá sản. Quá trình sắp xếp lại phải giải quyết rất nhiều việc, từ con người, công nghệ cho đến đầu vào, đầu ra; công nợ không chỉ ở trong nước mà còn nước ngoài...
Sau khi ổn định nhà máy sản xuất, tôi còn phải sang Mỹ bán hàng. Trước đây Bình An đã có khách hàng tại Mỹ, nhưng do khó khăn nên mất uy tín, thậm chí còn nợ tiền bên đó, bị họ kiện. Tôi cũng phải thuê luật sư giải quyết công nợ, sau đó gặp gỡ khách hàng để chào bán. Khi đăng ký gặp, họ rất ngạc nhiên là một ông chủ tịch HĐQT ngân hàng mà lại mang catalogue đi chào bán cá. Tôi phải thuyết phục họ là Bình An giờ đã được SHB vào tái cấu trúc, cho nên con người mới, công nghệ mới, quy trình sản xuất mới, chất lượng mới và đặc biệt là uy tín mới, đảm bảo đủ năng lực tài chính, uy tín... Và đến nay, chúng tôi đã thiết lập được một số đầu mối tại thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu khá ổn định.
Quỹ thời gian của ông phần lớn là dành cho công việc. Cảm giác với ông thế nào với công việc?
Được làm việc, có việc và có được nhiều việc để làm, với tôi đấy là hạnh phúc, là hưởng thụ. Đôi lúc phải đối mặt với những việc quá khó khăn, nhưng tôi không cho phép mình nghĩ đó là vất vả mà đó là niềm vui, vinh dự và hạnh phúc!
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Giao Thông