Vụ bán mình dưới thị giá gây khó hiểu của cha đẻ Sheraton

Thứ tư, 18/11/2015, 09:51
Sở hữu nhiều khách sạn danh tiếng như Sheraton nhưng ông chủ Starwood Hotels & Resorts Worldwide lại “bán mình” dưới thị giá.

Vội vã “bán mình”

Starwood Hotels & Resorts Worldwide là một trong những tập đoàn khách sạn lớn nhất tại Mỹ. Starwood đã có mặt tại nhiều nước trên toàn thế giới với những thương hiệu đình đám như Sheraton, Westin, Four Points...

Tháng 4 năm nay, Starwood khiến nhiều người ngạc nhiên khi rao bán công ty.Wall Street Journaltiết lộ có ít nhất 3 công ty Trung Quốc muốn trở thành ông chủ của Starwood. Shanghai Jin Jiang International Hotels, HNA Group, và quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc China Investment Corp.

Các đơn vị này đã cùng nộp đơn đề nghị Chính phủ Trung Quốc cho phép chào mua Starwood. Nếu được tiến hành, đây sẽ là vụ thâu tóm doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc. Và như vậy, thương hiệu khách sạn Sheraton đình đám sẽ về tay người Trung Quốc.

Không chỉ 3 công ty Trung Quốc muốn thâu tóm Starwood. Theo một số nguồn tin, trong số những đối tác tiềm năng có ý định thâu tóm Starwood còn có tập đoàn InterContinental Hotels, Wyndham Worldwide, và một số quỹ đầu tư quốc gia.

Tuy nhiên, mong muốn của những đại gia này khó có thể thành sự thật vì mới đây, trong ngày 16/11, Starwood Hotels & Resorts Worldwide khiến giới kinh doanh khách sạn toàn cầu ngạc nhiên khi công bố đã “bán mình” cho đối thủ - Tập đoàn khách sạn Marriott International với giá 12,2 tỷ USD.

Theo dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất vào giữa năm 2016, được kỳ vọng sẽ tạo nên một chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới.

“Bán mình” dưới thị giá “Chúng tôi đã hoạt động từ lâu, nhưng Starwood có sự hiện diện toàn cầu lớn hơn Marriott. Thương vụ sẽ giúp chúng tôi có thêm nguồn lực tăng trưởng từ khắp nơi trên thế giới” - Giám đốc điều hành (CEO) Arne Sorenson của Marriott kỳ vọng vào việc mua lại Starwood.

Starwood “bán mình” không phải là tin xấu với cổ đông. Trong phiên giao dịch ngày 27/10, giá cổ phiếu Starwood tăng hơn 9%, mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2009, sau khi có 3 công ty Trung Quốc muốn mua lại.

Tuy nhiên, khi Starwood công bố sẽ “bán mình” cho Marriott với giá 12,2 tỷ USD, nhà đầu tư bất ngờ quay lưng với cổ phiếu Starwood và Marriott.

Nguyên nhân là do giới đầu tư không hài lòng với việc mức giá chào mua thấp hơn 4% so với mức giá đóng cửa của cổ phiếu Starwood trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước. Dựa trên mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, Starwood có giá trị vốn hóa ở mức 12,67 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của Starwood và Marriott cùng sụt giảm. Cổ phiếu Starwood giảm 5,2%, xuống thấp hơn mức giá 72,08 USD/cổ phiếu mà Marriott chào mua Starwood. Giá cổ phiếu của Marriott giảm 1,3%, còn 71,65 USD/cổ phiếu.

Chốt phiên ngày 16/11, thị giá của Starwood chỉ còn 12,21 tỷ đồng, chỉ nhiều hơn giá chào mua của Marriott đúng 10 triệu USD. Trong phiên 17/11, cổ phiếu Starwood tiếp tục sụt giảm xuống 71,61 USD/CP. Vốn hóa thị trường của Starwood chỉ còn 12,1 tỷ USD. Như vậy, Marriott rơi vào tình trạng tưởng được mua lời 4% nhưng hóa ra lại phải mua hớ.

Kinh doanh gặp khó

Khi Starwood “bán mình”, nhiều người tiếc nuối những thương hiệu đình đám như Sheraton vì Starwood gắn liền với hình ảnh Sheraton dù Starwood sở hữu rất nhiều thương hiệu khách sạn đình đám khác. Có thể thấy, Sheraton là sản phẩm chủ lực của Starwood.

Tại thời điểm cuối quý III/2015, Starwood Hotels & Resorts Worldwide sở hữu 12 khách sạn Sheraton với 6.447 phòng trên toàn cầu. Trong đó, tại châu Á Thái Bình Dương, Starwood chỉ là chủ của 1 khách sạn với 297 phòng. Rất có thể, đây là phiên bản Sheraton nằm ven Hồ Tây (Hà Nội).

Danh sách các Sheraton có liên quan tới Starwood còn kéo dài nếu tính cả những khách sạn được nhượng quyền và do Starwood quản lý. Tính chung toàn hệ thống toàn cầu, Starwood có trong tay 232 khách sạn Sheraton với 84.048 phòng.

Ngoài Sheraton, Starwood còn sở hữu gần 10 thương hiệu khác như Westin (135 khách sạn với 54.651 phòng), Four Points (138 khách sạn với 20.737 phòng), W (29 khách sạn với 8.819 phòng), Luxury Collection (28 khách sạn với 5.518 phòng), Aloft (75 khách sạn với 11,342 phòng), St. Regis, Le Meridien, Element, Tribute Portfolio và Vacation Ownership.

Quan trọng là thế nhưng Sheraton, thương hiệu chiếm hơn 40% tổng số phòng của Starwood, đã để mất thị phần vào tay đối thủ, tỷ lệ lấp đầy của Sheraton chỉ đạt hơn 70%, thấp hơn so với một số khách sạn khác trong hệ thống. Điều đó cho thấy rõ Starwood đang gặp khó như thế nào.

Đầu năm nay, giám đốc điều hành Frits vvan Paasschen của Starwood đã từ chức sau khi Hội đồng Quản trị cho rằng ông không đủ khả năng để đưa tập đoàn tăng trưởn. Chỉ sau đó 2 tháng, Starwood thuê ngân hàng đầu tư Lazard hỗ trợ các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả bán lại công ty hoặc sáp nhập. Kể từ đó, Starwood đã bán bớt một số tài sản.

Việc bán bớt các tài sản càng khiến cho các chỉ tiêu kinh doanh của Starwood ảnh hưởng nặng nề hơn. Doanh thu quý 2 của tập đoàn đạt 1,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với đầu năm. Lợi nhuận quý II giảm xuống 136 triệu USD.

Lãnh đạo Tập đoàn nhận xét kết quả kinh doanh quý 3/2015 của Starwood đáng khích lệ (dù tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn) với mức tăng trưởng 33% của hợp đồng quản lý khách sạn mới được ký. Đó là nhờ việc thực hiện chiến lược: nâng tầm thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Hợp đồng quản lý khách sạn có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng các chỉ tiêu còn lại lại đi lùi. Kết quả là trong quý III/2015, Starwood đạt doanh thu 1,434 tỷ USD, giảm 4%; đạt lợi nhuận trước thuế 130 triệu USD, giảm 20,2%; đạt lợi nhuận sáu thuế 88 triệu USD, giảm 19,3% so với quý III/2014.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Starwood thu được 4,33 tỷ USD doanh thu, giảm 3,6%, 461 triệu USD lợi nhuận trước thuế, giảm 13,5% và 323 triệu USD lợi nhuận sau thuế, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm đáng lưu ý, lợi nhuận sau thuế quý III của Starwood sụt giảm là do xuất hiện yếu tố bất thường. Trong kỳ, tập đoàn thực hiện nhiều đợt thanh lý tài sản. Nhưng những đợt thanh lý này lại mang về cho Tập đoàn khoản lỗ lên tới 46 triệu USD. Cộng với chi phí phát sinh do tái cơ cấu, Starwood phải gánh khoản lỗ lên tới 55 triệu USD.

Các con số trên cho thấy Starwood có lý do cố gắng bán mình thật nhanh dù phải bán với giá thấp hơn thị giá.

Theo Zing

Các tin cũ hơn