Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo về thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ du lịch Phú Thọ. Theo đó, có 78 nhà đầu tư đăng ký mua 37,4 triệu cổ phần, vượt 23% lượng cổ phần đem ra đấu giá.
Du lịch Phú Thọ đang sở hữu Công viên văn hóa và cổ phần tại Công viên nước Đầm Sen |
Dự kiến công ty bán đấu giá 30,3 triệu cổ phần, tương đương 25,5% vốn vào ngày 31/12 tới đây. Mức giá khởi điểm 12.000 đồng. Nếu đấu giá thành công, Du lịch Phú Thọ sẽ thu về tối thiểu 363 tỷ đồng.
Được thành lập vào tháng 1/1989 với tên gọi ban đầu là Công ty Du lịch Phú Thọ, đến nay công ty đã trở thành đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, giải trí lớn tại TP.HCM và sở hữu nhiều tài sản.
Ngay từ khi thông điệp thoái vốn tại Du lịch Phú Thọ được phát đi đã thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Sức hút này chủ yếu đến từ những tài sản là quỹ đất du lịch "vàng" tại TP.HCM và vùng ngoại thành mà công ty đang sở hữu.
Hiện Du lịch Phú Thọ đang sở hữu 100% vốn của Công viên văn hóa Đầm Sen, Nhà hàng Thủy tạ Đầm Sen và 33,5% vốn của Công viên nước Đầm Sen... Ngoài ra, công ty còn sở hữu 100% vốn của 7 đơn vị kinh doanh và 2 đơn vị liên kết.
Danh sách các đơn vị mà Công ty Du lịch Phú Thọ đang sở hữu
|
Trong đó, Công viên văn hóa Đầm Sen hiện đang là đơn vị lớn nhất của Du lịch Phú Thọ với quỹ đất sử dụng trên 40ha tại quận 11, TP.HCM. Đầu năm 2017, công ty sẽ đưa 8 trò chơi mới hiện đại vào sử dụng, chi hơn 514 tỷ đồng để nâng cấp cảnh quan thay đổi bộ mặt công viên. Tiếp đó, Đầm Sen Entertainment Center sẽ được khai trương năm 2018-2019. Đây là khối đế của tòa nhà Đầm Sen Tower bao gồm 2 tầng hầm để xe và khối đế 5 tầng làm trung tâm thương mại, siêu thị, giải trí…
Công viên nước Đầm Sen là đơn vị luôn đem lại khoản lợi nhuận ổn định cho Du lịch Phú Thọ, bởi cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Ước doanh thu năm 2015 của Công viên nước Đầm Sen đạt 173 tỷ đồng, cổ tức tiền mặt tỷ lệ 36%. Còn Nhà hàng Thủy Tạ Đầm Sen được thiết kế trên nền đất 3.500m2 nằm trong lòng Công viên văn hóa Đầm Sen có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu quỹ đất du lịch khổng lồ như: 57.500m2 khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát (huyện Cần Giờ, TP.HCM); gần 1.000m2 bãi giữ xe tại Đầm Sen; 669m2 Khách sạn 79; 400m2 Khách sạn Phú Thọ; 7.897m2 Khách sạn Phong Lan; 579m2 đất văn phòng tại trung tâm quận 11. Đặc biệt, công ty còn đang sở hữu 1,4 triệu ha rừng tại huyện Cần Giờ.
Mặc dù sở hữu khối tài sản, đất du lịch lớn, song kết quả kinh doanh của Du lịch Phú Thọ lại giảm sút trong những năm gần đây. Năm 2014, công ty đạt doanh thu 474 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2013. Năm 2015, ước tính doanh thu giảm xuống chỉ còn 417 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm theo, năm 2014 đạt 141 tỷ đồng, ước tính năm 2015 giảm xuống 132 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/11/2015, tổng tài sản của Du lịch Phú Thọ khoảng 875 tỷ đồng. Nợ phải trả là 293 tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, công ty sẽ đổi tên thành Công ty Du lịch Phú Thọ, vốn điều lệ 1.187 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 49%, IPO 25,5%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 23,8%.
Với nguồn vốn sau IPO, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng tăng tốc từ năm 2016 bằng việc cải tạo, nâng cấp toàn bộ Đầm Sen với tổng giá trị trên 514 tỷ đồng; nâng cấp hạ tầng cho Khu sinh thái Vàm Sát thành khu nghỉ dưỡng cao cấp; tập trung đầu tư cho Nhà hàng Phong Lan. Đáng chú ý, công ty dự định chi 102 tỷ đồng để mua một triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Công viên nước Đầm Sen.
Trước đó, đã có nhiều nhà đầu tư đánh tiếng muốn trở thành cổ đông chiến lược của công ty. Hiện Công ty đầu tư và phát triển Sacom đã công khai sẽ tham gia đợt IPO này.
Theo VNE