Từ cuộc “Cách mạng trắng”
Chia sẻ với chúng tôi, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: “Công tác thi đua khen thưởng luôn được Vinamilk đặt lên hàng đầu. Có thể nói, Vinamilk có được vị thế vững chắc ngày hôm nay, chính là nhờ các phong trào thi đua tạidoanh nghiệp rất thiết thực, gắn với tâm nguyện của người lao động và phù hợp với chiến lược phát triển của đơn vị”.
Khi chia sẻ về thành công của Vinamilk, không dưới 3 lần, bà Liên nhấn mạnh, sự thành công của Vinamilk là công sức của một tập thể gắn bó đi lên từ phong trào thi đua, trải qua các cột mốc quan trọng như: đầu tư vùng nguyên liệu rất sớm, từ năm 1991; tái cấu trúc Vinamilk năm 2003, đưa công ty niêm yết thành công trên thị trường chứng khoánnăm 2006; mục tiêu đưa Công ty lọt vào Top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Các phong trào thi đua trong suốt 40 năm qua đã giải phóng nguồn lực con người, giúp Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, kể từ khi cổ phần hóa, doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; lợi nhuận tăng 15%/năm; nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỷ đồng/năm. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước từ sau khi cổ phần hóa năm 2003 đến nay đạt trên 22.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Công ty vươn lên Top 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á, Top 300 doanh nghiệp của châu Á (Top 100 ASEAN và Top 300 ASIA) và Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Để có được thành tích ấn tượng như vậy, Vinamilk đã triển khai 3 chương trình trọng điểm, thứ nhất là phong trào “Thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững”. Tiếp đến, Vinamilk cũng là doanh nghiệp đầu tiên khởi xướng phong trào chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam với cuộc “Cách mạng trắng”, gồm một loạt hoạt động trọng tâm như triển khai thu mua sữa tươi nguyên liệu từ các hộ chăn nuôi bò sữa và luôn gắn bó, thủy chung với bà con nông dân chăn nuôi bò sữa; xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi dài hạn.
Bằng chương trình này, Vinamilk đã chủ động được nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng. Đồng thời, kết hợp với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới đã đưa sản lượng của Vinamilk lên chiếm lĩnh vị trí số 1 Việt Nam. Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk tiếp tục thắng thầu, nhiều lần thực hiện hợp đồng cho các đối tác tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Canada….
Một phong trào ấn tượng khác của Vinamilk chính là thi đua “Sáng tạo khẳng định thương hiệu Việt, hướng tới mục tiêu Vinamilk - Doanh nghiệp vì cộng đồng”.
Chương trình được triển khai đã giúp các khối Marketing, Đối ngoại, Nghiên cứu sản phẩm cho ra đời những chương trình được cộng đồng xã hội hưởng ứng như: Quỹ học bổng “Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam”, đem đến cho các em học sinh tiểu học trên toàn quốc hơn 34.000 suất học bổng với tổng giá trị khoảng 19 tỷ đồng. Tiếp đó là Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” ra đời năm 2008, hướng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước.
Đến nay, Quỹ sữa đã tiếp cận hơn 333.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, đem tới cho các em gần 26 triệu ly sữa miễn phí, tương đương khoảng 94 tỷ đồng. Chương trình nhiều ý nghĩa này được tổ chức rộng khắp 63 tỉnh thành, đến tận những vùng cao hẻo lánh hay nơi hải đảo xa xôi…
Hướng đến thương hiệu toàn cầu
Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra thị trường quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn gắn với các phong trào thi đua để trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu trên, liên tục trong nhiều năm Vinamilk đã triển khai phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh”, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là “Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”.
Giải pháp được ban lãnh đạo Vinamilk xác định gồm: đẩy mạnh mũi nhọn khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng chủng loại và tăng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, lựa chọn công nghệ thích hợp đối với các sản phẩm mới… Đồng thời, Vinamilk còn đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có để hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất. Nhiều dây chuyền tinh chế hiện đại có xuất xứ từ các nước công nghiệp tiên tiến như Mỹ, Đan Mạch, Ý, Đức, Hà Lan... được lắp đặt, cùng với các chuyên gia hàng đầu thế giới hướng dẫn vận hành và chuyển giao công nghệ.
Theo Báo Đầu Tư