Năm 2015 là năm quan trọng và mang tính bước ngoặt đối với ngành bán lẻ vì theo cam kết WTO, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài được đầu tư với số vốn 100% tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor năm 2015, ngành bán lẻ và các doanh nghiệp bán lẻ xuất hiện thường xuyên hơn trên truyền thông, đặc biệt vào nửa cuối năm 2015 khi cuộc cạnh tranh trong ngành trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Tần suất xuất hiện của ngành vào 6 tháng cuối năm vượt trên ngưỡng nhận thức khiến cho người tiêu dùng Việt quan tâm hơn đối với các thương hiệu trong ngành.
Media Tenor nhận định: Sau đàm phán TPP thành công, nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài xuất hiện làm thị trường trong nước càng cạnh tranh khốc liệt khiến cho việc truyền thông Việt dành nhiều “thời lượng” cho ngành này là điều dễ hiểu.
2015: Truyền thông nói gì về bán lẻ Việt?
Không chỉ có truyền thông Việt mà truyền thông quốc tế như kênh truyền hình SRF Tagesschau cũng chú ý đến hoạt động của ngành bán lẻ Việt và đưa ra những nhận định tích cực cho ngành.
Phân tích của Media Tenor cho thấy: Hình ảnh của ngành bán lẻ Việt trên truyền thông năm nay khá tích cực, tốt hơn so với các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm hay logistics; dù một vài thông tin tiêu cực liên quan đến chất lượng sản phẩmvà nghĩa vụ thuế là không tránh khỏi.
Truyền thông Việt tập trung nhất vào các chủ đề là sản phẩm và chiến lược của công ty (chiếm ¼ tổng số thông tin) do đây là hai yếu tố quan trọng phân biệt sự khác biệt của các công ty trong ngành với nhau. Theo đó, cạnh tranh và hợp tác trong ngành cũng là hai chủ đề được báo chí quan tâm.
Phân tích cũng cho thấy xu hướng thương mại điện tử đang có biểu hiện phát triển tích cực, đốt nóng môi trường cạnh tranh tiếp tục khốc liệt tại Việt Nam.
Về tần suất, Thế giới di động, Saigon Co.op, Aeon Việt Nam, Big C, Vingroup, Lazada, Sendo.vn hay Lotte Mart là những cái tên thuộc top công ty bán lẻ thu hút truyền thông nhất, trong đó Vingroup và đặc biệt Aeon là những cái tên khá mới mẻ.
Về nhận định, Sendo.vn và Thế giới di động là hai công ty có tỷ lệ nhận định tích cực nhiều nhất (gần 50%).
Trong khi đó, tình hình kinh doanh thuận lợi, lợi nhuận tăng vượt trội và giá cổ phiếu tăng là những chủ đề nóng nhất về CTCP Thế giới di động được báo chí quan tâm và dành nhiều thông tin tích cực.
Ngoài Sendo.vn và Thế giới di động, Vingroup và Saigon Co.op cũng là những công ty bán lẻ nhận được khá nhiều nhận định khả quan vì sự thành công trong chiến lược phát triển mạng lưới phủ sóng rộng khắp
Theo chuyên gia nghiên cứu truyền thông Nguyễn Thu Hiền (Media Tenor Việt Nam), “việc xuất hiện trên truyền thông thường xuyên và quản lý được nguồn thông tin bằng cách chủ động đóng góp vào 1/3 số lượng thông tin, sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được các thông tin: đảm bảo hình ảnh tích cực và hạn chế nhận định tiêu cực.”
Trong top các doanh nghiệp bán lẻ, Parkson và Metro bị đưa nhiều thông tin tiêu cực nhất (chiếm hơn 50%). Việc Parkson đột ngột ra quyết định đóng trung tâm thương mạiở Mỹ Đình – Từ Liêm và đơn phương chấm dứt hợp đồng với các chủ kinh doanh nhận nhiều chỉ trích từ truyền thông và chuyên gia.
Đối với Metro Cash & Carry Vietnam, công ty này cũng gặp tai tiếng liên quan đến trốn thuế của nhà nước trong vòng hơn 10 năm.
Trong top CEO ngành bán lẻ, CEO của Sendo.vn Trần Hải Linh được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất và tích cực nhất.
“Khách hàng hiện nay không còn chỉ quan tâm đến thương hiệu mà còn để ý đến cả người chịu trách nhiệm đằng sau thương hiệu, xem người đó có đáng tin không”, bà Hiền chia sẻ.
Các lãnh đạo của các công ty bán lẻ khác có mặt trên truyền thông sau CEO của Sendo.vn gồm có: Vũ Thị Hậu (Nhất Nam), Shigeru Furuki (Aeon) hay Choi Kwang Ho (Emart - đơn vị có siêu thị khai trương ngày 28/12 vừa qua khiến hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy chờ tới 2 tiếng để được vào cửa).
Theo Tri Thức Trẻ