Ảnh minh họa. |
Từ Đại học Kinh tế Quốc dân gồm Đinh Thị Nho, Trần Văn Bằng, Trần Tuấn Anh Nghĩa và Lê Đình Giáp, Dự án Ứng Dụng Net-Loading có ý tưởng từ việc thiết kế một phần mềm thông minh kết nối vận chuyển hàng hóa đường dài liên tỉnh.
Phần mềm sẽ kết nối giữa những người dùng hay doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá với mạng lưới tài xế, doanh nghiệp vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Ứng dụng sẽ kết nối giữa tài xế lái xe tải chiều về, có thùng xe rỗng với khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa cùng tuyến.
Một mặt, Net-Loading giúp các doanh nghiệp vận tải có thêm doanh thu trong khi chí phí không đổi, mặt khác, làm giảm phí vận tải cho khách hàng do họ chỉ phải gánh chịu chi phí cho một chiều với tỷ lệ thấp hơn. Người dùng chỉ cần sử dụng smartphone nhập dữ liệu gồm địa điểm, hàng hóa, tải trọng, tài xế có xe tải trống sẽ “khớp lệnh” qua ứng dụng cài trên smartphone tương tự như các phần mềm của Uber hay GrabTaxi.
Bạn Lê Đình Giáp, người đưa ra ý tưởng này cho biết, Dự án Net-Loading được Giáp nghĩ ra khi vô tình đọc được một thông tin rằng 70% xe tải di chuyển chiều về không có hàng hóa, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải mới du nhập vào Việt Nam như Uber, GrabTaxi… Giáp cũng lý giải tên miền Net-Loading là từ ghép của “Network” (kết nối) và “Loading” (tải trọng).
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON cho rằng, tên gọi này còn khá trừu tượng, chưa giúp người sử dụng dễ tưởng tượng dịch vụ mang lại. Ông Khoa gợi ý, nhóm có thể đổi tên dự án bằng một từ rõ nghĩa hơn như “No empty truck” và nhóm nên xây dựng kế hoạch là một công ty con của một doanh nghiệp logistics thì sẽ khả thi hơn hoạt động độc lập ngay.
Nhóm sinh viên đưa ra lập luận, thị trường này có những ưu điểm nổi bật: Thứ nhất, loại hình vận tải chủ yếu là vận tải hạng nặng, với tuyến đường dài, rủi ro và chi phí cao; Thứ hai, quy mô thị trường rất lớn, chiếm tới 21% tổng khối lượng vận tải nói chung, tỷ lệ đảm nhận đạt tới 70,8% (Bộ Giao thông Vận tải - 2013); Thứ ba, tốc độ tăng trưởng CAGR cao, ước đạt 7,6% từ 2015 - 2020.
Dự án có vốn khởi điểm 1.402.000 đồng, doanh thu của dự án đến từ chiết khấu doanh thu của tài xế sử dụng dịch vụ theo tỷ lệ phù hợp, với khách hàng mục tiêu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ đại lý.
Chiến lược kinh doanh được xây dựng bao gồm chiết khấu 5% trong giai đoạn đầu để tạo vị trí và mở rộng thị trường. Khi đã hoạt động ổn định, chiết khấu có thể tăng lên 10 – 15% vào năm thứ 6. Ngoài ra doanh thu của dự án còn đến từ quảng cáo do lượng truy cập lớn vào trang web hoặc thống kê dữ liệu.
Đại diện nhóm cho biết, nhóm đã gửi thư mời cho doanh nghiệp để điều tra thị trường, và nhận được hơn 100 phản hồi tích cực về giá của dự án.
Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL) đánh giá, ý tưởng này thực ra không mới và đã được một doanh nghiệp đưa vào thực tiễn từ năm 2014, nhưng nếu nhóm chưa tự xây dựng được ứng dụng thì dự án sẽ khó khả thi. Tuy nhiên, bà Lan cũng khá hứng thú với dự án này và góp ý, có thể mở rộng khách hàng ra toàn bộ các doanh nghiệp lớn nhỏ, các đại lý. Ngoài ra, nhóm cũng có thể kết hợp với các nhà doanh nghiệp vận tải để cùng hợp tác kinh doanh.
Theo Báo Đầu Tư