Lắng nghe và kiểm soát bản thân
Chị Nguyễn Thị Thiên Khoa, Phó Phòng Học vụ YOLA, cho biết, ngày trước, việc hướng nghiệp vẫn còn chưa được đầu tư tốt như hiện nay, dẫn đến việc nhiều bạn trẻ chạy theo những ngành học “hấp dẫn”, rồi ra trường làm trái ngành khá phổ biến. Còn bây giờ, khi hướng nghiệp được chú trọng, thì những người trẻ lại loay hoay với việc làm thuê hay làm chủ? “Hãy đặt trong mối quan hệ của ba yếu tố: tương lai, bản thân và động lực để trả lời cho câu hỏi “Tôi sẽ là ai trong 10 năm nữa?”, các bạn sẽ tìm được câu trả lời.
Chị Khoa cũng nhấn mạnh, tương lai và động lực không liên quan đến nhau, trong khi đó, mong muốn của bản thân mỗi người cũng lại biến thiên theo thời gian. Điều cần thiết là người trẻ phải thay đổi cho phù hợp với mong muốn của chính mình và kiểm soát bản thân để tạo động lực từ bên trong.
Đồng quan điểm, chị Trần Thanh Vân, điều phối viên kênh truyền thanh Radio Xone FM cho biết, trong bối cảnh thông tin lúc nào cung ngồn ngộn như hiện nay, không phải bạn trẻ nào cũng biết mong muốn thực sự của bản thân là gì, hay đó chỉ là sở thích nhất thời, đi cùng xu hướng. Chị chia sẻ: “Lắng nghe bản thân là kỹ năng quan trọng nhất.
Chỉ có lắng nghe bản thân, các bạn mới biết chia sẻ từ người khác có phù hợp không. Đồng thời, các bạn phải trải nghiệm thực sự lĩnh vực đó để tìm hiểu”. Thanh Vân cho biết, chị từng không tin vào những gì người ta nói vì cho rằng, kiến thức thì sách vở rồi internet có rất nhiều. Song, dần dà chị nhận ra mình học được nhiều điều hay từ những buổi nói chuyện với những người trong nghề, với thái độ học hỏi chân thành. “Nhờ đó tôi dần hoàn thiện kỹ năng, biết nhiều kiến thức và kinh nghiệm mà sách vở không có”, chị Vân chia sẻ.
Cần sự quyết đoán
Phân tích tâm lý người Việt trẻ, chị Thiên Khoa cho rằng, đến tận bây giờ, thế hệ 8x, 9x vẫn tồn tại tâm lý tự ti do xuất phát điểm thua kém hơn khi so sánh với các bạn trên thế giới. Do vậy, họ hoặc thường mơ cái gì đó rất xa xôi, không thực tế, hoặc chẳng dám ước mơ. Theo đánh giá của chị Thiên Khoa, nguyên nhân chính là do họ thiếu cơ hội, không dám đi tìm sự cọ sát.
Mặt khác, các bạn cũng rất lo lắng và bị chi phối khá nhiều trước ý kiến của người khác, bạn bè, và phụ huynh. “Lúc nào cũng lo phải làm vừa lòng người xung quanh, các bạn không thể tập trung hết năng lực của mình. Có quyết đoán, mạnh mẽ và tự quyết, nếu chẳng may thất bại, các bạn cũng có động lực để làm lại chứ không quay về chuyện muôn thủa là đổ thừa tại, bị...”, chị Khoa tư vấn.
Những nguyên nhân trên chính là lý do dẫn đến tình trạng giới trẻ Việt năng động, nhiệt tình khởi nghiệp nhưng lại dễ dàng “chết yểu”. Thống kê cho thấy, trong số gần 100.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập hằng năm, số DN phải giải thể và ngưng hoạt động cũng cao không kém, bằng khoảng 70% số mới thành lập. Đáng ngại hơn, số DN bị giải thể và ngưng hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2014 là khoảng 5.400 DN, nhưng tính trong tháng 9 tháng đầu năm 2015 đã vọt lên hơn 10.000, tức gần gấp đôi.
Thiếu sự quyết đoán, người trẻ gần như không dám trung thành với hoạch định của mình. Vẫn biết rằng, ở Việt Nam, những ràng buộc và trở ngại về pháp lý với việc khởi nghiệp không phải là ít, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đã có tinh thần, có cả thị trường tốt để phát triển kinh doanh, nhưng nếu cứ để phong trào khởi nghiệp là tập hợp những đường bơi riêng của giới trẻ thì rõ ràng, sớm hay muộn gì thì phong trào ấy cũng rất dễ tàn.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn