Ước tính, mỗi năm chúng ta vô tình “rửa” nhiều triệu USD kim loại quý xuống đường ống nước thải qua sinh hoạt hàng ngày. |
Ước tính, mỗi năm chúng ta vô tình “rửa” nhiều triệu USD kim loại quý xuống đường ống nước thải qua sinh hoạt hàng ngày như rửa tay (tay đeo nhẫn), đánh răng (lắp răng giả bằng vàng), gội đầu (kim loại quý ngày càng được sử dụng nhiều trong nước gội đầu) hay giặt quần áo (các hạt nano trong vải)…
Nghiên cứu của công ty cung cấp nước sạch và xử lý nước thải Thames Water của Anh chỉ ra rằng lượng vàng có trong hệ thống cống thải có thể so sánh với với các mỏ kim loại quý đang được khai thác.
Các nhà nghiên cứu trường đại học Arizona State University đã có phát hiện khá thú vị rằng một thành phố một triệu dân có thể mang lại lượng kim loại quý trị giá khoảng 13 triệu USD mỗi năm, trong đó gồm khoảng 2,6 triệu USD trị giá vàng và bạc.
Vấn đề là làm thế nào để lấy được kim loại quý từ nước thải? Một nhà máy xử lý chất thải ở thị trấn công nghiệp Suwa nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã tiến hành “khai thác” vàng từ nước thải.
Công việc “khai thác” này không theo các phương pháp khai mỏ và khai thác vàng truyền thống vốn khá tốn kém, mà bằng cách đốt chất thải được tách lọc từ nước thải và xử lý phần tro để lấy vàng.
Nhà máy này từng tiết lộ rằng lượng vàng mà họ "khai thác" có thể cạnh tranh với sản lượng của các mỏ hàng đầu thế giới và họ thu được gần 2kg vàng từ mỗi tấn tro. Trong khi đó, mỏ Hishikari của Nhật Bản, một trong những mỏ có sản lượng lớn nhất thế giới, cũng chỉ sản xuất được khoảng 40 gam vàng từ mỗi tấn quặng.
Hiện chưa có công ty nào của Anh hay Mỹ tiến hành “khai thác” vàng từ nước thải theo kiểu này. Mặc dù vậy, trong bối cảnh giá vàng đang tăng, các nhà khoa học sẽ có thêm động lực nghiên cứu các phương pháp phù hợp để lọc, tách vàng từ nước thải.
Theo Vietnam+