Hình ảnh một phiên thảo luận tại hội nghị |
Ý kiến trên được bà Jocelyn Tran, Giám đốc Cấp cao Khu vực Đông Nam Á của Walmart Global Sourcing, đưa ra tại hội nghị “20 năm quan hệ Việt – Mỹ: Triển vọng hợp tác kinh tế giáo dục và tiếp theo với hiệp định TPP” diễn ra hôm nay 14-1-2016 tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, bà Jocelyn Tran cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất quan trọng với Walmart. Đó không chỉ là cơ hội giúp Walmart mua hàng hóa đa dạng từ Việt Nam mà còn là cơ hội để Walmart chuyển giao công nghệ và kiến thức cho các đối tác tại đây, bà Jocelyn Tran nói.
Trước phát biểu của đại diện Walmart, một đại biểu tham gia hội nghị đặt câu hỏi liệu có cơ hội nào để thanh long Việt Nam vào chuỗi siêu thị của Walmart?
"Thanh long là một sản phẩm có mùi vị khá lạ. Đó không phải là sản phẩm chúng tôi quan tâm. Chính xác hơn, có lẽ đó không phải là sản phẩm mà người tiêu dùng của Walmart ở Mỹ quan tâm", bà Jocelyn trả lời và chia sẻ thêm một thông tin khác khá ngạc nhiên khi cho biết Walmart đã có nhiều thương thảo để mua trái cây đóng hộp từ Việt Nam nhưng không thành công.
Lý do được Jocelyn Tran đưa ra đó là các nhà cung cấp Việt Nam nghĩ rằng Walmart có tiêu chuẩn quá cao nên ngại đầu tư kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng; một lý do khác đến từ việc họ có những thị trường xuất khẩu khác dễ tính hơn, một phần thị trường nội địa Việt Nam cũng đang tiến triển tốt.
Mặc dù cho biết Walmart đã mua hàng ở Việt Nam rất nhiều và mong muốn đặt Việt Nam vào bản đồ các nhà cung ứng toàn cầu, nhưng về ngắn hạn, bà Jocelyn thừa nhận việc này sẽ gặp nhiều thách thức.
“Chúng tôi tìm đối tác để có một lộ trình chung trong dài hạn. Một trong những yếu tố Walmart quan tâm đó là tư duy của người lãnh đạo nhà cung cấp như thế nào? Họ muốn gì trong tương lai?” vị đại diện tập đoàn bán lẻ nổi tiếng từ Mỹ chia sẻ.
Chưa chắc chắn TPP sẽ được ký kết vào 4-2-2016 Việc ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4-2-2016 tại New Zealand chỉ là kế hoạch, và chưa có gì chắc chắn, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) hôm 14-1. Trả lời PV bên lề Hội nghị quốc tế “20 năm quan hệ Việt – Mỹ: Triển vọng hợp tác kinh tế giáo dục và tiếp theo với hiệp định TPP”, ông Thái cho biết, văn bản cuối cùng của hiệp định để các nước ký kết sẽ không có gì thay đổi so với nội dung những cam kết trong TPP mà các nước công bố trước đó. Trước đó, sau khi kết thúc đàm phán TPP, các nước thực hiện việc rà soát lại pháp lý để đảm bảo câu chữ trong hiệp định được luật hóa. Liên quan đến TPP, theo bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (Asia Society Policy Institute), nguyên quyền phó đại diện thương mại Mỹ, trong bất kỳ hiệp định nào, trong các nền kinh tế tham gia đều có những bộ phận sẽ hưởng lợi, nhưng cũng sẽ có những bộ phận gặp thách thức. “Như tôi biết tại Việt Nam, với TPP, ngành sẽ gặp thách thức là nông nghiệp, do đó những người trong ngành này sẽ lo ngại về hiệp định TPP. Tại Mỹ, có một số ngành như dệt may, thực phẩm cũng có mối lo ngại. Tuy nhiên chúng ta có thể đàm phán những vấn đề này và giải quyết thách thức. Một trong những công cụ mà chúng tôi sử dụng trong đàm phán, đó là giai đoạn chuyển đổi, tức là chúng tôi cho phép một số điều khoản trong TPP có hiệu lực sau một thời gian nào đó, thay vì có hiệu lực ngay, để những ngành đó có thời gian thay đổi và điều chỉnh để thích ứng”, bà Wendy Cutler cho biết. Cũng tại hội nghị hôm nay, ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng 5-2016. Chuyến thăm này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Ông Murray Hiebert đề xuất nên có một hội nghị bàn tròn doanh nghiệp nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ vì đây là cơ hội để kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam. |
Theo TB KTSG