Các tiểu thương cho biết những món mới "vô" được bữa ăn của người Việt vì hợp khẩu vị và giá cả hợp lý.
Hàng ngoại, giá nội
Chị Ngọc Liên (ngụ Q.12, TP.HCM) chia sẻ vừa rồi công ty chị đi du lịch Campuchia, được ăn món tung lò mò (lạp xưởng bò) Siem Reap rất ngon, khiến chị nhớ mãi. Mới đây, vô tình phát hiện trong chợ Lê Hồng Phong tại Q.10, TP.HCM (trước kia gọi là chợ Campuchia) có bán lạp xưởng bò Siem Reap với vị chua đặc trưng, giống loại lạp xưởng từng ăn bên Campuchia, chị vội đặt 10kg để dành ăn Tết và biếu bà con.
Chị N., chủ sạp khô H.N. (chợ Lê Hồng Phong) cho biết: “Tôi bán cá khô Biển Hồ Campuchia gần chục năm nhưng khách chủ yếu là người Campuchia, người Khmer sống tại TP.HCM. Chừng hai năm trở lại đây, người Việt bắt đầu đổ về tìm mua các loại khô đặc sản Campuchia, nhiều nhất vào dịp Tết”. Mặt hàng khô tại khu chợ này rất phong phú: khô cá tra, khô cá lóc, khô nhái, khô cá sặt, cá trèn, khô bò, lạp xưởng bò, lạp xưởng heo, khô trâu, tôm khô, khô rắn… giá dao động từ 200.000 - 550.000 đồng/kg.
Các loại đặc sản Campuchia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan... được tiêu thụ nhiều tại một số chợ, cửa hàng ở TP.HCM |
Lý giải các loại khô đặc sản Campuchia được lòng người Việt, các tiểu thương phân tích: Campuchia có Biển Hồ mênh mông, cung cấp lượng thủy sản tự nhiên khổng lồ. Cách tẩm ướp gia vị, phơi sấy, bảo quản của họ cũng rất tự nhiên.
Ví dụ, khô cá tra phồng được làm từ cá tra tươi loại 3kg trở lên, được róc bỏ phần mỡ bụng nên thịt thơm, độ béo vừa phải; khô trâu và bò được làm từ loại trâu, bò chăn thả trên các cánh đồng bạt ngàn nên thịt chắc, được phơi nắng trong khí hậu nóng khô đặc trưng ở Campuchia nên thịt khô, thơm; lạp xưởng phơi thủ công dưới ánh nắng tự nhiên, thịt chín phần chỉ một phần mỡ, có vị chua chua của thịt lên men, phù hợp với người không thích ăn béo…
Chưa kể, đa số các loại khô của Campuchia có giá thấp hơn, chỉ một vài loại có giá ngang khô Việt Nam. Cụ thể, giá khô tại các cửa hàng đặc sản, do phải thuê mặt bằng, đóng gói, hút chân không… nên đắt hơn chợ Lê Hồng Phong từ 30.000 - 100.000đ/kg. Ví dụ, khô bò tại chợ giá 400.000 đồng/kg, cửa hàng bán giá 500.000 đồng/kg, lạp xưởng tại chợ giá 200.000 đồng/kg, cửa hàng bán giá 270.000 đồng/kg.
Tại các chợ Bình Tây (Q.6), chợ Tân Định (Q.1), chợ An Đông (Q.5), các tiểu thương cho biết, nhiều khách hàng hỏi khô Campuchia nên cũng nhập thêm một vài mặt hàng như các tra phồng, khô bò…
Các loại khô đặc sản Lào, Ấn Độ cũng đang hút khách. Cửa hàng online T.T. đang quảng cáo thịt bò Giàng Lào: “Vừa mới về 40kg thịt bò Giàng Lào phục vụ Tết, không ngon trả lại tiền”. T., chủ cửa hàng này viết: “Mẹ mình sống ở Lào hơn 10 năm, làm bò giàng nổi tiếng đất Xiêng Khoảng. Sáng nào mẹ mình cũng dậy từ 2 giờ sáng vào tận lò mổ, chọn miếng thịt tươi ngon nhất làm bò Giàng. Xiêng Khoảng là vùng đồi núi, nuôi bò theo kiểu chăn thả rông nên thịt bò rất săn chắc. Bò phơi dưới nắng tự nhiên nên thịt không hôi”. Giá thịt bò khá đắt, 950.000 đồng/ký.
Hiện các loại gạo đặc sản Campuchia, Thái Lan như gạo Lài Miên, gạo Sóc Thường, gạo móng chim, gạo con chim đỏ… được bày bán tại nhiều cửa hàng với hình thức đẹp, nấu lên cho nồi cơm dẻo, ngon.
Khô đặc sản Campuchia tại chợ Lê Hồng Phong Q.10 được bày lộ thiên ngoài trời, mặc cho ruồi nhặng bu, khói bụi bám |
Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng V.V. (Trần Kế Xương, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết gần Tết các loại gạo đặc sản Campuchia, Thái Lan hút khách vì còn được mua làm quà tặng. Giá các loại gạo này cũng thấp hơn gạo Việt cùng phân khúc, như gạo Móng Chim (Campuchia) giá 37.000 đồng/ kg, gạo Lài Miên (20.000 đồng/kg).
Tại một số hội chợ vừa diễn ra trên địa bàn TP.HCM, một số công ty giới thiệu nhiều mặt hàng mứt phục vụ Tết như: sầu riêng sấy khô Thái, chuối dẻo phủ sô cô la trắng Thái, chôm chôm sấy khô Thái, me không hạt Thái, xoài sấy Thái… Mứt Thái có vị ngọt vừa chứ không gắt, màu sắc tự nhiên không lòe loẹt, giá vừa phải.
Tin nhau là chính
Tại chợ Lê Hồng Phong, một số gian hàng khô đặc sản Campuchia được bày lộ thiên ngoài trời, kê ngay đường chạy xe của khách ra vào chợ. Chỉ trừ lạp xưởng được đóng gói, có nhãn mác, trên sản phẩm có tiếng Campuchia; còn lại các sản phẩm được bày trên bàn, rổ, khay inox, không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm.
Tại một số quầy, sản phẩm được đựng trong bao ni lông, khay thủy tinh, nhưng cũng không có thông tin về sản phẩm. Thậm chí, một số gian, khô cá sặt vừa bán vừa phơi, tức khô kê ngoài trời, trên mâm chỉ cách mặt đất khoảng hai gang tay, mặc cho ruồi nhặng tự do “thưởng thức”, ngày qua ngày “tẩm ướp” bụi đường, khói xe.
Một số chợ khác, khô đặc sản Campuchia cũng bày theo kiểu hàng xá chung với khô Việt Nam. Thoạt nhìn không thể nào phân biệt khô nội hay ngoại, chỉ biết thông qua tư vấn của tiểu thương. Chị L., chủ sạp L.P. (chợ An Đông), cho biết khô Campuchia được nhập dạng thùng 20kg, có cơ sở sản xuất, khi đem về phải xé lẻ và bày ra, để lâu trong thùng khô bị ẩm, nổi mốc, hôi dầu… Nếu mua 20kg trở lên sẽ được đóng thùng, có nhãn mác đàng hoàng.
Hiện các loại đặc sản Campuchia, Thái Lan, Lào, Ấn Độ… chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch, bán tại các cửa hàng nhỏ, các siêu thị lớn hiện chưa có các mặt hàng này. Chúng tôi mua thử 200gr khô bò Campuchia tại một cửa hàng, khô được đóng gói trong bao ni lông, hút chân không nhưng bên ngoài lại dán nhãn thông tin, số điện thoại của cửa hàng chứ không phải nơi sản xuất khô.
Ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết mặt hàng khô thủy hải sản nói chung bán tại các chợ, khi kiểm tra, các sạp đều có hóa đơn bán hàng. Một cán bộ thuộc ban quản lý chợ Bến Thành (Q.1) cũng khẳng định, các loại khô nhập về bán tại chợ đều có nguồn gốc, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
TS Phan Thế Đồng - giảng viên khoa Khoa học và công nghệ, ĐH Hoa Sen TP.HCM cho biết, mặt hàng khô nếu không được bảo quản đúng cách, phơi sản phẩm ngoài trời có thể bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn. Do khô đã được phơi nắng nên các loại vi sinh, vi khuẩn này phát triển không nhiều. Khi chiên, nướng và axít trong dạ dày khi ăn sẽ tiêu diệt một phần. Nhưng nếu khô bị ẩm mốc, chưa khô (có thể nhìn bằng mắt và sờ bằng tay, cảm giác ươn ướt), vi khuẩn sẽ phát triển nhiều, sinh ra độc tố, khi ăn dễ bị ngộ độc.
Theo NLĐ