Các doanh nghiệp Việt Nam cũng như trên thế giới thường khá ngần ngại trước inbound marketing bởi 3 lý do chính: Họ không hiểu rõ đó là gì (và đôi khi còn không dám thừa nhận); họ chỉ quan tâm đến doanh thu, và không hiểu sao nội dung lại có thể mang lại tiền cho doanh nghiệp; và họ không muốn bỏ thời gian/tiền bạc để thuê một người phụ trách vấn đề đó.
Thực tế inbound marketing là cách làm marketing mới, là xu hướng marketing trên toàn cầu trong vài năm trở lại đây.
Inbound marketing mang lại khách hàng bằng cách thu hút và nuôi dưỡng các khách hàng tiềm năng với những nội dung độc đáo, những dữ liệu và các dịch vụ khách hàng, không phải spam làm phiền họ. Cách làm marketing này giúp công ty tiết kiệm rất nhiều ngân sách mà trước kia thường sử dụng vào các loại quảng cáo pay-per-click.
Một số lợi ích chính mà inbound marketing có thể mang lại:
- Marketing và sales làm việc chặt chẽ để tạo nên những nội dung tiếp thị hay;
- Gia tăng mức độ nhận diện của thương hiệu;
- Nâng cao nhận thức của khách hàng về sản phẩm;
- Gia tăng niềm tin khách hàng và uy tín cho doanh nghiệp;
- Tạo thêm nhiều khách hàng tiềm năng và lượt truy cập website;
- Tiết kiệm chi phí.
Vậy có những lưu ý gì cho các doanh nghiệp làm inbound marketing?
Hãy trở thành một chuyên gia
Khi hiểu biết rõ về thị trường và lĩnh vực của mình, bạn nên chia sẻ chúng cho mọi người.
Kim Garst - nhà sáng lập và CEO của Boom! Social, một hãng tư vấn về thương hiệu cá nhân và kinh doanh qua mạng xã hội đã lập ra một blog và thường xuyên cập nhật nội dung cho blog đó. Kim chia sẻ kiến thức mình biết và liên kết với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đồng thời kêu gọi họ đóng góp nội dung cho blog. Chính nhờ sự cống hiến này, Kim đã mang lại cho người đọc những kiến thức sâu rộng hơn ở nhiều góc độ về chủ đề social marketing.
Một bài học được rút ra là, hãy mang lại giá trị cho mọi người từ nội dung mà bạn sáng tạo, những bài báo bạn viết hay những thông tin hữu ích bạn có. Nhận thức được kho tàng kiến thức quý báu từ bạn, mỗi khi gặp vấn đề, người đọc sẽ tìm đến bạn như một chuyên gia để được giải đáp.
Thể hiện khía cạnh con người
Đã qua rồi cái thời của những chiến lược tiếp thị sáo rỗng. Khách hàng muốn biết câu chuyện của công ty, biết bạn đang làm gì qua “lời nói” của công ty bạn. Mọi người cũng muốn liên kết với những công ty có cùng tư tưởng và vì thế công ty cần sẵn sàng “mở lòng” ra một chút
Ted Rubin - tác giả của cuốn sách “Return on Relationship”, là một trong số những con người “chân thực” nhất. Ông cho rằng “Sự tin cậy được gây dựng dựa trên tính tương tác, và đòi hỏi bạn chân thực trong từng câu từ. Để gây dựng mối quan hệ trên mạng, bạn (dù là thương hiệu hay cá nhân) cần đem lại giá trị cho mọi người. Dù là qua những thông tin hữu ích hay một bản giới thiệu, sự gắn kết và tương tác vẫn rất quan trọng”.
Trong thế giới số, mọi người vẫn muốn biết mình đang làm việc với công ty nào, vì vậy hãy luôn nhớ kể những câu chuyện về mình, nói về mình và về công ty, và hỏi các followers (người theo dõi) rằng họ là ai và họ muốn điều gì. Đừng quên trả lời những email (không phải spam) trên LinkedIn, từ đó gặt hái thêm nhiều connections (kết nối) mới, những cơ hội kinh doanh và hiệu ứng truyền miệng (word of mouth).
Chia sẻ chuyên môn
Bạn có thể chia sẻ một ví dụ thực tế về tình huống bạn gặp phải một cách cặn kẽ. Một số công ty nghĩ rằng việc chia sẻ thông tin như vậy là đã cho đi quá nhiều, nhưng rồi bạn sẽ bất ngờ trước những lợi ích về uy tín mà phương pháp này đưa lại.
Với trang web www.jonloomer.com, Jonh Loomer đã được người đọc xem là "chuyên gia Facebook Ads" Jon Loomer - nhà sáng lập của Jon Loomer Digital, người đã lập ra trang blog về chủ đề marketing nâng cao bằng Facebook Ads, đã làm nên một kỳ tích bằng cách nói về cách sử dụng Facebook Ads, kết quả, các công cụ và những gì anh làm tốt, những gì cần làm tốt hơn.
Đây là một trang web có ích, thể hiện sống động hình ảnh cá nhân của anh và người đọc có cảm giác anh là một chuyên gia mà họ có thể tìm đến mỗi lần gặp vấn đề về Facebook Ads.
Theo DNSG