Đây là "bộ 3 nguyên tử" giúp Alibaba của Jack Ma thiết lập 1 thị trường phục vụ 5 tỉ người

Thứ năm, 14/01/2016, 13:16
Với 3 trang web chính gồm Taobao, Tmall và Alibaba.com, hệ thống của công ty này bao trùm các nền tảng từ khách hàng tới khách hàng (C2C), doanh nghiệp tới khách hàng (B2C), doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) và như mua theo nhóm.

Nhắc đến thương mại điện tử, nếu như phương Tây Amazon là cái tên được nhớ đến đầu tiên thì ở phương Đông, Alibaba được xem là đại diện xuất sắc nhất.

Theo số liệu của Bloomberg, giao dịch trực tuyến trên các trang web của Alibaba đạt 1.000 tỷ trong 5 năm vừa qua. Hiện 80% thị trường mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc bị chi phối bởi tập đoàn Alibaba. Công ty này cũng là một trong những công ty công nghệ được định giá cao nhất thế giới khi huy động thành công 25 tỷ USD cho đợt IPO tại Mỹ vào năm 2013.

Để làm được thành công này, Alibaba không chỉ có ... Alibaba. Với 3 trang web chính gồm Taobao, Tmall và Alibaba.com, hệ thống của công ty này bao trùm các nền tảng từ khách hàng tới khách hàng (C2C), doanh nghiệp tới khách hàng (B2C), doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) và như mua theo nhóm.

Có thể nói công thức của Alibaba là "mang hàng Trung Quốc bán cho 5 tỉ dân trên thế giới". Dưới đây là hệ thống các "chợ" tạo nên thành công của Alibaba:

Đầu tiên, Alibaba.com là nền tảng thương mại điện tử đầu tiên của Alibaba, được thành lập năm 1998. Alibaba.com đi theo mô hình B2B (Business to business) trực tuyến dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nghĩa là thời điểm đầu ra mắt Alibaba không hướng tới người tiêu dùng đầu cuối. Thay vào đó, mục tiêu của nó là kết nối các DN xuất khẩu với DN nhập khẩu. Một cách đơn giản, Alibaba.com giúp các DN nhỏ toàn cầu có thể nhập "hàng tàu" trên môi trường trực tuyến.

Jack Ma thể hiện sự khôn ngoan khi đi từ DN trước thay vì người tiêu dùng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thị trường Trung Quốc, quốc gia được mệnh danh là công xưởng xuất hàng hóa ra toàn thế giới. Hiện tại, phiên bản tiếng anh của Alibaba.com là cầu nối giữa doanh nghiệp từ hơn 240 quốc gia trên thế giới.

Năm 2007, Alibaba.com tiến hành niêm yết ra công chúng trên sàn chứng khoán Hong Kong và hủy niêm yết vào năm 2012.

Sau khi thành công với Alibaba.com, Alibaba xây dựng 1688.com, nền tảng B2B dành riêng cho thị trường nội địa Trung Quốc vào năm 1999. 1688.com trở thành nơi trao đổi hàng hóa cho các DN đáp ứng nhu cầu của 1 tỉ dân.

Thông qua Alibaba.com and 1688.com, tập đoàn Alibaba kết nối DN toàn thế giới tới chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với khách hàng toàn cầu cũng đang kết nối với chuỗi cung ứng này. Các DN mua hàng, xây dựng quan hệ với nhà sản xuất mà không cần gặp mặt. Alibaba đóng vai trò như một đại diện trung gian đáng tin cậy.

Có thể thấy, thương mại điện tử của Alibaba không bắt nguồn từ người dùng đầu cuối (khách hàng phổ thông) mà nhắm tới DN trước tiên. Đây là nước đi rất thành công của Alibaba.

Tới năm 2003, sau khi Alibaba.com đã thành công, Alibaba mới tung ra Taobao là nền tảng thương mại điện tử C2C. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của hai sàn B2B trong nước và toàn cầu, Taobao nhanh chóng trở thành trang mua sắm lớn nhất của Alibaba với hơn 7 triệu nhà cung cấp tính đến năm 2014 bán đủ thứ từ quần áo, giày dép cho đến đồ nội thất.

Người dùng trên Taobao hoàn toàn được miễn phí nhưng người bán hàng có thể trả tiền quảng cáo để nhận được vị trí xuất hiện đẹp trên Taobao.Theo nghiên cứu của iResearch, khoảng 50% dòng bán lẻ trực tuyến của người Trung Quốc thông qua Taobao. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều mô hình C2C khác, Taobao phải đối mặt với những rắc rối đến từ việc bán hàng giả của những người kinh doanh. 1 báo cáo của Trademark Working Group cho biết, Taobao được nhận định là nền tảng trực tuyến lớn nhất về giao dịch hàng giả trên thế giới.

Đến tháng 9 năm 2008, Taobao ra mắt Taobao Mall, nay là Tmall chuyên về dịch vụ B2C. Hiện đây là trang B2C được truy cập nhiều nhất tại Trung Quốc. Có 2 cách tham gia vào Tmall gồm những công ty nội địa tại Trung Quốc thông qua Tmall.com và công ty nước ngoài thông qua Tmall Global. Những thương hiệu lớn trên thế giới hiện hoạt động trên nền tảng Tmall có thể kể đến như Mango, Sony, Levi’s, Puma,…

Sau khi hoàn thành một hệ sinh thái gần như hoàn chỉnh, Alibaba tiếp tục cho ra đời những công cụ mới như web so sánh giá, trang mua hàng theo nhóm, cho tới bán lẻ trực tiếp,...

Có thể thấy, chiến lược phát triển của Alibaba khá rõ ràng: Bắt đầu là kết nối doanh nghiệp, sau đó là kết nối khách hàng, và cuối cùng là kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Đây là một mô hình bền vững nhưng lại chỉ phù hợp với thị trường Trung Quốc, nơi tập trung nhiều DN sản xuất cung ứng hàng hóa ra toàn thế giới.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn