Ngân hàng lộ 'chiêu' chia lương kinh doanh thay thưởng Tết

Thứ hai, 18/01/2016, 09:18
Mặc dù ngân hàng luôn là lĩnh vực có tiền thưởng Tết cao nhất trong các ngành nhưng rất có thể nhiều ngân hàng đã “đánh lận con đen”, bằng cách gọi lương kinh doanh là tiền thưởng.

Năm 2015, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng sán lạn nên nhân viên ngân hàng kỳ vọng một cái Tết no ấm. Nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch thưởng Tết khủng vì kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BizLIVE, nhiều ngân hàng đã dùng tiền lương kinh doanh còn lại để chia cho nhân viên, chứ thực tế đây không phải là tiền thưởng Tết.

Nhiều ngân hàng đã "ăn chặn" tiền thưởng Tết của nhân viên bằng cách gọi lương kinh doanh là tiền thưởng.

Nhiều ngân hàng “lập lờ” khái niệm

Khi được hỏi về tiền thưởng Tết, lãnh đạo một ngân hàng tầm trung tại Hà Nội cho biết, ngân hàng ông sẽ thưởng Tết theo doanh thu. “Mặc dù doanh số đạt kế hoạch nhưng lợi nhuận không đạt, do vậy tiền thưởng Tết cũng sẽ ảnh hưởng. Việc thưởng Tết sẽ dựa vào doanh số của mỗi nhân viên chứ không cào bằng”, vị này cho biết.

Đem câu chuyện này trao đổi với một lãnh đạo ngân hàng khác có trụ sở tại Hà Nội thì nhận được phản hồi khá thú vị. Theo đó, tiền khen thưởng phải được trích từ quỹ khen thưởng, không ảnh hưởng đến chi phí, lợi nhuận ngân hàng. Còn tiền lương được ghi vào chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

“Nguồn tiền chi cho nhân viên trích từ quỹ nào thì bản chất phải như vậy. Như thế mới công bằng. Tiền lương kinh doanh đạt được mà người lao động chưa hưởng hết thì dứng khoát phải trả, không trả không được, nếu không sẽ bị kiện. Còn tiền thưởng nếu có quỹ khen thưởng thì thưởng, không có thì thôi, người lao động không thể kiện”, vị này phân tích.

Vị này cho biết, quỹ lương được xây dựng trên kế hoạch một loạt các chỉ tiêu và lợi nhuận dự tính. Quỹ lương này chia làm 2 phần: phần cơ bản và phần lương kinh doanh. Phần lương cơ bản chiếm khoảng 70% quỹ lương và hàng tháng được hưởng hết. Còn phần lương kinh doanh chia theo quý, mức chia bình quân khoảng 70% căn cứ vào mức hoàn thành kế hoạch từng quý. Nếu cuối năm hoàn thành kế hoạch thì phải trả lại cho người lao động 30% phần lương kinh doanh còn lại.

Thế nên, cái mà nhiều người hay gọi là tiền thưởng Tết, thực chất đó là tiền lương còn lại chưa lĩnh, hay còn gọi là lương kinh doanh sau khi kết thúc kế hoạch năm (do hoàn thành) được lĩnh.

“Phần 30% lương kinh doanh này làm sao mà gọi là tiền thưởng được? Ngay cả việc gọi lương kinh doanh là tiền thưởng thì đã cho thấy cái gì đó không ổn. Người lao động phải hiểu rõ cơ chế tiền lương kinh doanh được chia như thế nào, mới biết nhiều ngân hàng đã lập lờ khái niệm này”, vị này nói.

Quỹ khen thưởng dùng để thưởng cho khách VIP?

Tình trạng “đánh lận con đen” tiền thưởng Tết nhân viên của không ít ngân hàng có hai lý do: không muốn tăng thêm chi phí và phải thưởng cho khách VIP, khách hàng lớn.

Theo Luật Lao động, ngân hàng thương mại Nhà nước mỗi năm không được trích quỹ khen thưởng quá 3 tháng lương. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần mức khen thưởng do hội đồng quản trị quyết định (thực chất là do đại hội đồng cổ đông quyết định) tùy theo ngân hàng đó trong năm lời ít hay nhiều. Khoản trích thưởng này được trừ vào lợi nhuận kinh doanh trước khi chia cổ tức cho cổ đông, nên hội đồng quản trị rất do dự khi trích thưởng.

Luật Lao động cho phép doanh nghiệp muốn thưởng Tết 1 hay 2 tháng lương (mà chúng ta hay gọi là thương tháng 13) thì trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động khi ký kết phải nói rõ, là cuối năm có thưởng lương tháng 13. Có như vậy khoản chi này mới được hạch toán vào chi phí.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp gần như không làm vì như vậy chi phí sẽ gia tăng, làm giảm lợi nhuận. Do vậy, các doanh nghiệp không thuộc nhà nước thường trích quỹ khen thưởng rất ít, nên nguồn để chia thưởng không bao giờ có nhiều. Thực tế, nhiều ngân hàng bình quân 1 năm chưa được 1 tháng lương thưởng mà có nguồn gốc trích từ quỹ khen thưởng. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở ngân hàng thương mại cổ phần mà một số ngân hàng thương mại Nhà nước cũng vậy”, vị này phân tích.

Một nguyên nhân nữa, đó là quỹ lương thưởng cho nhân viên được nhiều ngân hàng dùng để thưởng cho khách VIP, khách hàng lớn.

“Khách hàng bây giờ rất khó tính, nên ngân hàng cuối năm cũng phải chia thưởng cho nhiều khách hàng lớn và VIP. Tiền này lấy từ đâu? Bao nhiêu cho đủ? Vậy nên quỹ khen thưởng sẽ phải teo đi nhiều. Thế thì còn lại bao nhiều để thưởng thực chất cho cán bộ nhân viên?”, vị này băn khoăn.

Nhiều nhà băng thưởng Tết hai tháng lương

Dù vậy, vẫn có nhiều ngân hàng thưởng Tết và trả lương kinh doanh đầy đủ cho nhân viên. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2015, ngân hàng sẽ thưởng Tết cho nhân viên mỗi người hai 2 tháng lương.

Ông Thọ cho biết, VietinBank là ngân hàng luôn tiên phong, đi đầu trong việc chú trọng đảm bảo quyền lợi của người lao động, thu nhập của cán bộ nhân viên luôn ở mức cạnh tranh nhất so với các ngân hàng trên thị trường.

“Năm 2015, cán bộ nhân viên toàn hệ thống VietinBank sẽ được trả lương và được hưởng các chế độ đãi ngộ tài chính và phi tài chính xứng đáng, luôn ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đại diện Vietcombank cũng cho biết, mức thưởng Tết cho nhân viên ngân hàng thấp nhất là 2 tháng lương. “Bên tôi có thưởng nhưng đã là thưởng thì không thể đại trà và phải là người thật giỏi, thật xuất sắc mới có được. Mức thưởng phải đủ lớn để người nhận tự hào và người không được cố gắng phấn đấu”, đại diện Vietcombank cho biết.

Một ngân hàng khác là MB cũng cho biết năm nay thưởng tết cho nhân viên 2 tháng lương.

“Ngân hàng 0 đồng” OceanBank cũng có thưởng Tết cho nhân viên, tuy nhiên cách gọi có khác một chút. Thay vì gọi là tiền thưởng Tết, ngân hàng này gọi là tiền may đồng phục cho nhân viên, trị giá 5 triệu đồng một bộ. Tết Dương lịch Ngân hàng 0 đồng Oceanbank cũng thưởng cho nhân viên mỗi người 2 triệu đồng.

Sở dĩ OceanBank có tiền thưởng Tết là do ngân hàng này đã bắt đầu có lãi. Tại cuộc họp tổng kết năm 2015 của Vietinbank, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank cho biết, Oceanbank tăng trưởng tiền gửi 17%, đã xử lý được nợ xấu và thu hồi được 5.000 tỷ đồng trong năm và ghi nhận có lãi.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích