Đại gia bán lẻ bán mình kiếm tiền

Thứ hai, 18/01/2016, 09:17
Các đại gia bán lẻ, sau thời gian làm ăn tại Việt Nam sẽ bán mình kiếm tiền. Số tiền bị truy thu thuế chẳng nhằm nhò gì so với giá trị mà họ thu được từ những thương vụ chuyển nhượng đình đám.

Sau một thời gian kiên quyết đấu tranh, ngành thuế đã chính thức thu được 1.911 tỷ đồng tiền thuế  của Tập đoàn Metro sau thương vụ chuyển nhượng Metro Cash & Cary Việt Nam. Khoản thuế thu nhập phát sinh từ thương vụ đình đám này sẽ nộp về ngân sách trung ương gần 1.500 tỷ đồng chiếm 77%, nộp về địa phương ở Cục thuế TP.HCM hơn 400 tỷ đồng chiếm 23%.

Thông tin này do đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin trong cuộc gặp mặt báo chí vào cuối chiều 14/1.

Kế hoạch bán BigC tại Việt Nam của Tập đoàn Casino đang bị gắn với nghi vấn chuyển giá

Trước đó 1 tuần, ngày 7/11, Tập đoàn METRO công bố chính thức hoàn tất mọi thủ tục chuyển giao thương vụ METRO Cash & Cary Việt Nam cho Tập đoàn TCC (Thái Lan), công ty mẹ của Berli Jucker Public Company Limited (BJC). Trị giá thương vụ 655 triệu Euro (tương đương với 879 triệu USD), bao gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan.

Có thể nói, các thông tin này đã chính thức đóng lại câu chuyện của Tập đoàn Metro tại Việt Nam sau gần 15 hoạt động tại Việt Nam với những cảnh kết không mấy vui vẻ.

Tuy nhiên, dường như kịch bản này lại đang lặp lại, khi Tập đoàn Casino (Pháp) lên tiếng công bố kế hoạch bán BigC Việt Nam.

Vào thời điểm này, BigC đã bị đồn sẽ rơi vào tay Cental Group (Thái Lan). Trị giá thương vụ, theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài cũng rơi vào khoảng 750 triệu Euro ((khoảng 813 triệu USD), nếu thuận buồm xuôi gió. Sau 17 năm phát triển, BigC đã trở thành nhà bán lẻ đứng thứ 2 Việt Nam về quy mô với hệ thống 32 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.

Giá trị cả hai thương vụ này không thua kém nhau nhiều. Và đáng chú ý là BigC cũng là cái tên được cơ quan thuế nhắc tới trong danh sách các doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm liên tiếp.

Năm 2012, khi BigC bị cơ quan thuế nhắc đến do báo cáo lỗ trong nhiều năm liên tiếp. Ngay sau đó, phía BigC có gửi công văn đến giới truyền thông để giải thích cho những nghi vấn đó. Theo đó, những công ty đã đi vào hoạt động từ lâu thì sẽ có lãi và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, những công ty khai thác những siêu thị vừa mới ra đời thì vẫn còn lỗ và điều này là rất hiển nhiên trong kinh doanh.

Công văn cũng cho hay, BigC bắt đầu đóng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2006 và lượng thuế không ngừng tăng cao theo từng năm. Năm 2009, tổng cộng thuế thu nhập doanh nghiệp đã đóng là 57 tỷ đồng, năm 2010 là 120 tỷ đồng và năm 2011 là 180 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, các công ty thuộc hệ thống BigC liên tục được cơ quan thuế vinh danh trong nhóm 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Trong nhóm ngành bán lẻ, siêu thị, cả 3 công ty sở hữu quản lý 3 siêu thị này đều xếp vị trí đứng đầu Top 10 nộp thuế lớn nhất gồm: Công ty TNHH TMQT và DV Siêu thị Big C Thăng Long, Công ty TNHH TM và DV Siêu thị Big C An Lạc và công ty TNHH TM và DVQT Big C Đồng Nai.

Các tên tuổi bán lẻ trong nước cũng thừa nhận, BigC là nhà bán lẻ ở tầm cao, phát triển tốt. Bản thân BigC Việt Nam cũng thừa nhận, không phải cứ hoạt động thua lỗ mới bán.

Đại diện một nhà bán lẻ trong nước cho biết, không loại trừ khả năng sẽ mua BigC, vì loại được đối thủ ngoại trên đất Việt là điều quá tốt. Hơn nữa, Việt Nam phải có tên tuổi đủ tầm đứng ra cứu lấy thị trường phân phối, bán lẻ trong nước không để bị rơi vào tay nhà bán lẻ ngoại mãi. Tuy nhiên, giá bán của BigC hiện được rao bán quá cao, vì sở hữu những mặt bằng tốt nhất ở nơi họ xuất hiện, có hệ thống khách hàng trung thành lâu năm và mô hình hoạt động khá chuyên nghiệp.

Vậy vì sao Tập đoàn Casino lại muốn tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam? Nhiều người đã gọi đây là cuộc “tháo chạy” của Casino Group đối với BigC Việt Nam khi gắn với hoài nghi, lo ngại của dư luận về hoạt động chuyển giá, gây thất thu thuế giống như Metro Cash & Cary Việt Nam.

Giới quan sát và phân tích cho rằng, các đại gia bán lẻ, sau thời gian làm ăn phát đạt tại Việt Nam sẽ bán mình thu tiền. Qua đó, những gì họ để lại Việt Nam, đồng thuế phải nộp chẳng nhằm nhò gì so với những món hời lớn họ thu được từ thương vụ chuyển nhượng, trao tay khủng.

Đặc biệt, nhiều quan điểm còn cho rằng, quá nhiều ưu đãi khi kêu gọi đầu tư FDI cũng có thể là một trong những nguyên nhân, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp trốn thuế. Nhất là những doanh nghiệp vào Việt Nam cách đây mấy chục năm, khi mới mở cửa thị trường và cần dòng vốn đầu tư ngoại.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn