Một đường phố ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. |
Theo xếp hạng Chỉ số sáng tạo Bloomberg (Bloomberg Innovation Index) 2016 mà hãng tin này vừa công bố, Hàn Quốc là quốc gia đứng ở vị trí số 1 thế giới về sáng tạo. Những nước còn lại trong top 5 bao gồm Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, và Thụy Sỹ.
Để thực hiện xếp hạng này, Bloomberg đã tính điểm đối với 50 quốc gia dựa trên các yếu tố như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hay mức độ tập trung của các công ty nhà nước trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đứng ở vị trí này, Hàn Quốc giành mức điểm cao nhất thế giới ở các tiêu chí sản xuất giá trị gia tăng, giáo dục bậc cao và mức độ tập trung của những người có bằng về khoa học-kỹ thuật.
Hàn Quốc chỉ xếp thứ 39 về năng suất, nhưng xếp thứ nhì về R&D, mật độ công nghệ cao và hoạt động về bằng sáng chế, đồng thời xếp thứ 6 về mật độ các nhà nghiên cứu.
Đạt 91,31/100 tổng điểm, Hàn Quốc có điểm số cao hơn khoảng 6 điểm so với quốc gia đứng ở vị trí thứ nhì là Đức. Các nước còn lại trong top 5 có điểm số khá đồng đều ở mức khoảng 85 điểm.
Theo ông Marcus Noland, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington, Hàn Quốc “kẹt” giữa một bên là Trung Quốc với nguồn nhân công giá rẻ và một bên là Nhật Bản với trình độ công nghệ cao hơn, nên các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng ở Hàn Quốc đều có cảm giác lo ngại về việc phải làm thế nào để duy trì được vị trí mà họ đang có về sáng tạo.
Gần đây, biến động ở thị trường Trung Quốc đã có tác động không nhỏ tới Hàn Quốc. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương nước này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 xuống còn 3%, từ mức 3,2% đưa ra hồi tháng 10. Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng khoảng 2,6% trong năm 2015.
Việc có tên trong danh sách 50 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với bất kỳ một nền kinh tế nào, bởi điều này có thể đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng sáng hơn trong dài hạn.
Việt Nam không góp mặt trong danh sách này. Ba quốc gia Đông Nam Á có tên trong danh sách là Singapore (vị trí 6), Malaysia (25), và Thái Lan (47).
Trung Quốc đứng ở vị trí 21, và Nga vị trí 12. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm vị trí số 8 của xếp hạng.
Trong top 10, có 6 nước châu Âu, gồm Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Đan Mạch, và Pháp; và 3 nước châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, và Singapore.
Châu Phi có hai đại diện trong xếp hạng, gồm Tunisia (46) và Morocco (48).
Theo VnEconomy