Bạn có thực sự biết cách tính giá cước của mỗi chuyến Uber mà mình đã từng đi? |
Vào khoảng giữa năm 2015, thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio đã đưa ra một số đề xuất gây tranh cãi liên quan đến Uber và các ứng dụng gọi xe khác. Trong đó có một quy định về việc Uber cần phải minh bạch trong việc tính giá cước của từng chuyến đi. Tuy nhiên để thực hiện điều đó không hề dễ dàng một chút nào, vì trên thực tế cách tính giá cước của Uber là một thứ gì đó hỗn độn và rắc rối.
Chúng tôi đã từng đề cập về cách, nhưng khi sang đến một quốc gia khác, nó lại biến đổi khó lường.
Giống như câu chuyện của nhà báo Felix Salmon của trang Fusion, khi anh này đi nghỉ tại Istanbul. Giao thông ở đây không được tốt, đặc biệt là khi có lễ hội thì tình trạng tắc đường trên những tuyến phố chính là không thể tránh khỏi. Đó cũng là lý do vì sao chiếc xe Uber của Felix phải mất tới 58 phút để đi quãng đường 7km để tới một nhà hàng.
Trên đường về, Felix đã rút kinh nghiệm để bảo người tài xế Uber của mình đi đường vòng và tránh nơi đang diễn ra lễ hội âm nhạc. Nhờ vậy mà Felix chỉ mất 27 phút để về tới khách sạn, sau khi đi qua quãng đường dài hơn 12km.
Điều đáng nói ở đây đó là Felix đã trả cho chuyến đi Uber kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ 46 lira (tương đương 17,47 USD). Trong khi chuyến đi Uber về khách sạn kéo dài chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ lại có mức cước phí 48 lira (18,23 USD). Có vẻ như tại Istanbul, Uber tính phí nhiều hơn dựa trên quãng đường đi chứ không phải thời gian phục vụ.
Cách tính phí không giống ai
Trên thực tế việc tính giá cước của Uber không phải điều đơn giản. Thật vậy, để tính giá cước của Uber chúng ta cần tới 6 yếu tố khác nhau. Đó là thành phố nơi bạn sử dụng dịch vụ Uber, loại xe Uber mà bạn đi, giá vé cơ bản, mức phí cho mỗi phút phục vụ, mức cước cho mỗi cây số và đặc biệt là có thể nhân lên với một hệ số bất kỳ vì những lý do như giờ cao điểm hay ngày lễ. Chính vì vậy mà nó khiến cho giá cước của Uber tại các thành phố là không giống nhau.
Ví dụ như tại Istanbul, mức giá cước cơ bản cho mỗi một dặm (1,6km) là 1,56 USD, trong khi đó mức phí tính theo thời gian là 0,13 USD mỗi phút. Trong khi đó, tại Moscow mức cước cơ bản mỗi dặm là 0,33 USD, trong khi mức phí theo thời gian là 0,4 USD.
Với việc mức phí tính theo thời gian cao hơn, đồng nghĩa với việc nếu bạn bị tắc đường và ngồi trên xe trong một tiếng đồng hồ mà không thể nhích nổi 1 cây số, bạn vẫn sẽ phải trả mức phí cao cho Uber.
Và có một thành phố vô cùng đặc biệt, đó chính là Berlin nơi Uber không tính bất kỳ phụ phí nào và chỉ có giá cước cơ bản. Nó đồng nghĩa với việc dù bạn có bị tắc đường 1 tiếng đồng hồ, nhưng quãng đường bạn đi chỉ là 1km, bạn cũng sẽ chỉ phải trả chưa đến nửa đô.
Biểu đồ mức phí theo thời gian và tỷ lệ so với mức giá cước theo quãng đường tại các thành phố trên thế giới. |
Tuy nhiên không phải thành phố nào cũng giống như Berlin. Có những nơi mà Uber tính phí theo thời gian rất cao, như New York với mức phí 0,65 USD mỗi phút phục vụ. Và chúng ta có thể thấy sự khác nhau về cách tính giá cước của Uber tại các thành phố trên thế giới trong biểu đồ trên. Các thành phố đầu bảng, là những nơi có mức phí tính theo thời gian thấp hơn so với giá cước.
Uber không giống taxi, vì vậy giá cước cũng phải khác
Có một sự thật mà ai cũng biết, đó là Uber không giống với các dịch vụ taxi truyền thống. Nhưng có một điều mà ít ai biết, đó là vì nguyên nhân này mà mức giá cước của Uber cũng khác so với dịch vụ taxi truyền thống. Không chỉ là rẻ hơn mà còn nhiều điều phức tạp khác.
Uber phải tạo mối quan hệ đối với cả hai bên, tài xế và hành khách. Đó là một thị trường hai mặt, một mặt Uber phải khuyến khích càng nhiều lái xe tham gia vào dịch vụ càng tốt. Mặt khác Uber phải thu hút được nhiều hành khách sử dụng dịch vụ để kiếm lợi nhuận.
Đem lợi nhuận đến cho tài xế và giảm chi phí cho khách hàng không phải điều đơn giản. |
Để cân bằng giữa hai bên tài xế và hành khách là điều không dễ dàng. Bởi các tài xế muốn có thu nhập cao, trong khi hành khách lại muốn chi phí thấp. Đó cũng là lý do mà Uber phải thay đổi mức giá cước của mình tại các thành phố để phù hợp với nhu cầu của cả tài xế lẫn hành khách.
Uber cũng cần điều chỉnh mức giá cước của mình để có thể cạnh tranh với các dịch vụ taxi truyền thống. Và vì giá cước taxi tại các thành phố là khác nhau, nên giá cước của Uber cũng vậy.
Bên cạnh giá cước, lý do chính khiến cho mức phí tính theo thời gian của Uber tại các thành phố cũng khác nhau là công sức lao động của tài xế. Đối với một chiếc xe thì quãng đường là thước đo công sức lao động, còn đối với con người thì thời gian chính là thước đo.
Các tài xế của Uber không phải là nhân viên, do đó họ không được trả lương và quy định thời gian làm việc cố định. Họ có thể làm việc cho Uber bất kỳ lúc nào họ muốn và mức phí theo thời gian có thể được coi như tiền lương mà họ được trả.
Tài xế "đẳng cấp" sẽ cần nhiều tiền cho thời gian hơn là cho quãng đường. |
Chính vì vậy mà tại các thành phố như Istanbul, nhân công thấp dẫn đến mức phí tính theo thời gian cũng thấp hơn. Trong khi đó giá trị của một chiếc ôtô tại Istanbul là rất lớn, nên công sức lao động của chiếc xe chính là quãng đường đi sẽ được tính phí cao hơn.
Điều đó ngược lại với các thành phố như New York hay Moscow, nhưng nơi mà người lao động được trả lương cao hơn dẫn đến việc mức phí theo thời gian của Uber cũng rất cao. Trong khi giá trị của một chiếc ôtô tại các thành phố này chỉ được xếp ở mức trung bình, và vì vậy giá cước theo quãng đường cũng thấp hơn như tại Istanbul.
Uber thông minh, hãy như Uber
Với việc mở rộng ra rất nhiều thị trường trên thế giới, đồng nghĩa với việc Uber phải tính toán giá cước sao cho phù hợp với rất nhiều thành phố khác nhau. Mặc dù việc đó không dễ dàng chút nào, nhưng Uber đã làm được.
Và điều quan trọng là Uber vẫn khiến cho các khách hàng của mình tiếp tục sử dụng dịch vụ mà không có thắc mắc gì về giá cước. Đó là sự khôn khéo của Uber. Để có thể tính ra được giá cước cuối cùng, Uber cần biết được rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng lại không bao giờ chia sẻ chúng với các tài xế của mình.
Uber cũng thường xuyên thay đổi mức giá cước của mình tùy thời điểm, nó khiến cho chính các tài xế của Uber cũng rất khó nắm bắt được cách tính giá cước. Mà ngay cả các tài xế còn không nắm được giá cược thực tế, thì các hành khách của Uber càng không biết được chính xác họ sẽ phải trả những gì cho một chuyến xe Uber.
Phải thừa nhận rằng Uber vô cùng thông minh. |
Có thể việc không tiết lộ thông tin này sẽ giúp cho tài xế và hành khách không bị “đau đầu” bởi cách tính phí rắc rối của Uber. Nhưng nó cũng có thể giúp Uber dễ dàng hơn trong việc thay đổi mức giá mà không khiến cho khách hàng phải phàn nàn.
Với chính sách “giờ cao điểm”, Uber có thể tăng giá cước lên gấp 2 hoặc 3 lần, thậm chí là vào dịp lễ Tết có thể tăng giá lên gấp 8-10 lần. Đây cũng là một trong những “lỗ hổng” trong việc tính giá cước của Uber để các tài xế tận dụng và đem lại lợi nhuận rất lớn cho Uber.
Chính vì vậy mà thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio mới đây đã đưa ra một nghị quyết nhằm áp dụng mức trần đối với việc tăng giá của dịch vụ Uber trong những dịp đặc biệt. Nhằm tránh việc Uber tự ý tăng giá cước lên quá cao, nhưng cuối cùng nghị quyết này đã không được thành phố New York thông qua. Và hiện tại, Uber vẫn có thể thoải mái tăng giá trong “giờ cao điểm” và dịp lễ Tết. Chính sách này sẽ giúp Uber bù lại phần lợi nhuận mất đi khi phải giảm giá cước để cạnh tranh được với các hãng taxi truyền thống.
Theo GenK