Ông cho biết, dự án sẽ khởi động trong thời gian diễn ra Liên hoan Phim Sudance tại Utah vào tuần này. Tuy nhiên, Airbus từ chối cung cấp thông tin về giá dịch vụ.
Phát ngôn viên của Airbus cho hay, hãng sẽ cung cấp trực thăng Airbus H125 và H130 cho dự án Sundance, cũng như hợp tác với Air Resources, một hãng hàng không có trụ sở tại Utah. Uber sẽ điều động một chiếc xe đón khách cho những người sử dụng dịch vụ.
Động thái của Airbus cho thấy họ đang mở rộng tìm kiếm khách hàng mới, khi nhu cầu của những khách hàng truyền thống bị ảnh hưởng bởi giá dầu.
Các công ty dầu mỏ và khí đốt là thị trường quan trọng đối với Airbus. Tuy nhiên, giá dầu thô thấp khiến họ phải cắt giảm việc mua và sử dụng trực thăng.
Enders cho biết, việc kinh doanh trực thăng bắt đầu đi xuống từ năm 2014 và giảm mạnh vào năm ngoái.
Mối quan hệ của Airbus với Uber thể hiện sự cố gắng của công ty hàng không lớn nhất châu Âu trong việc mở rộng mối quan hệ với thung lũng Silicon ở bang California, Mỹ.
Năm ngoái, Airbus thành lập một quỹ trị giá 150 triệu USD tại thung lũng Silicon để đầu tư vào công nghệ. Tuần trước, nhóm Ventures của Airbus công bố dự án đầu tư đầu tiên của họ vào công ty kỹ thuật hợp tác Local Motors.
Trong cuộc thảo luận về tình hình ở Iran, Enders cho biết, quốc gia này đã tạo một cơ hội lớn cho nhiều ngành công nghiệp. Bình luận của ông xuất hiện một ngày sau khi Bộ trưởng Giao thông Iran tuyên bố, họ sẽ mua 114 máy bay của Airbus sau khi Mỹ và các nước phương Tây bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này.
Hôm 16/1, Liên minh châu Âu và Iran cho biết, Mỹ và Liên Hợp Quốc sẽ dỡ nhiều biện pháp trừng phạt sau khi Iran hoàn tất các bước, nhằm thực hiện thoả thuận hạt nhân đã ký vào hồi tháng 7 năm ngoái.
“Đó là một thị trường rất lớn và tôi hy vọng họ sẽ không huỷ thoả thuận này”, Enders nói.
Giám đốc điều hành Airbus cũng cho hay, máy bay mà Iran đang sở hữu rất cũ. Tehran sẽ cần 400-500 phi cơ để thay thế trong những năm tới. Ngoài ra, nước này cũng tạo ra nhiều tài năng kỹ thuật.
“Chúng tôi đang nghiên cứu con đường để tiến về phía trước trong bối cảnh mới”, một phát ngôn viên của Airbus nói hôm 17/1.
Enders cũng bày tỏ sự lạc quan về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, dù gần đây, thị trường chứng khoán nước này bất ổn. Ông cho biết, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đang phải đối mặt với rào cản công nghệ và chi phí phát triển cao. “Nhưng nếu bạn muốn đặt cược vào ai, hãy đặt cược vào Trung Quốc”, ông nói.
Uber ra mắt năm 2009 và sử dụng ứng dụng trên smartphone, cho phép người gọi taxi. Gần đây, công ty này mở rộng dịch vụ và kết hợp với các hình thức vận tải khác, bao gồm xe kéo ở Ấn Độ và tàu thuyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ty công nghệ cao đầu tiên của Mỹ đã thử nghiệm dịch vụ UberChopper tại khu vực giữa thành phố Manhattan và Hamptons vào năm 2013. Họ cũng từng thử nghiệm dịch vụ taxi trực thăng tại những sự kiện đặc biệt, như Liên hoan phim Cannes diễn ra tháng 5, Liên hoan Nghệ thuật và Nhạc hội Bonnaroo vào tháng 6.
Theo Zing