Dự án sân bay Long Thành đội vốn ngay từ đầu
Kết thúc chuyến công tác thực địa tại tỉnh Đồng Nai và gặp gỡ người dân khu vực quy hoạch Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, huyện Long Thành - Đồng Nai) mới đây, đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng: Với tiến độ như hiện nay, Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự tính đến 7/2017 mới trình lên Bộ Giao thông báo cáo khả thi dự án để Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp đầu tiên của năm 2018.
Như vậy, thuận lợi nhất tức báo cáo khả thi dự án được thông qua thì năm 2018, Thủ tướng mới bố trí vốn để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn và đến năm 2020 mới có thể tiến hành giải phóng mặt bằng. Khi ấy, việc thu hồi đất nhanh nhất cũng phải tới 2023 mới xong.
So với kế hoạch ban đầu, dự án phải khởi công vào năm 2018 để chậm nhất là kết thúc giai đoạn 1 (hoàn thành nhà ga, một đường cất hạ cánh nhằm đón 25 triệu hành khách mỗi năm) vào năm 2025. Tuy nhiên, năm 2023 mới giải phóng và thu hồi đất thì chắc chắn dự án sẽ bị chậm tiến độ.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. |
Theo đánh giá, dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ sẽ dẫn đến nguy cơ đội vốn cũng như không kịp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồng quan điểm cho rằng dự án sân bay Long Thành đội vốn, song PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không (nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không-Đại học Bách khoa TP.HCM) lại cho rằng, ông không vì lo vì đội vốn mà lo dự án bị làm ẩu.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đánh giá, dự án sân bay Long Thành có hai vấn đề cần nhìn nhận lại đó là quy mô và thời điểm xây dựng dự án.
Thứ nhất về quy mô, năm 2014 Australia xây dựng sân bay thứ hai tại Sydney. Theo tính toán, sân bay mới sẽ đảm bảo phục vụ 80 triệu hành khách (tương đương với lượng khách phục vụ mà dự sân bay Long Thành hướng đến).
Tuy nhiên thay vì phải quy hoạch 5.000 ha như sân bay Long Thành, Australia chỉ quy hoạch 2.000 ha và xây dựng 2 đường băng hạ cất cánh rộng 3.600m. Vốn đầu tư giai đoạn 1 với nhà ga và đường băng chỉ bằng 4 tỷ AUD (tương đương 3 tỷ USD) bao gồm cả giải phóng mặt bằng. Trong khi giai đoạn đầu của sân bay Long Thành sau khi rút gọn, điều chỉnh vẫn lên đến khoảng 5,45 tỷ USD, đây là tính toán theo thời giá năm 2014.
“Với một đất nước có nền kinh tế phát triển hơn chúng ta, có diện tích đất lớn hơn chúng ta nhưng Australia tính toán xây dựng sân bay hợp lý về diện tích và chi phí trong khi mục tiêu phục vụ hành khách không kém so với sân bay Long Thành. Tại sao có sự chênh lệc này? Phải chăng dự án đội vốn ngay từ khi chưa triển khai. Vậy thì với việc chậm tiến độ, dự án sẽ đội vốn lên bao nhiêu chắc sẽ không kiểm soát được”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề.
Thứ hai thời điểm xây dựng. “Đồng ý cần xây dựng sân bay Long Thành nhưng xây dựng thời điểm nào? Tiền đâu để xây dựng?”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống tiếp tục nêu câu hỏi.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, những người đưa ra dự án sân bay Long Thành đã đặt ra viễn cảnh quá sớm về khả năng phải phục vụ 80 - 100 triệu khách/năm. Đây là số lượng khách quá lớn so với thực tế.
“Cùng với việc đặt ra viễn cảnh quá sớm về lượng khách, tôi có cảm giác người ta muốn làm nhanh, làm vội sân bay Long Thành nhanh. Tôi vẫn khẳng định, thực tế lượng khách không lớn như vậy, chuyện quá tải sân bay Tân Sơn Nhất không như người ta nói nên không thể vì muốn làm nhanh, làm kịp tiến độ mà ẩu được. Theo tôi vẫn phải theo trình tự, không thể đốt cháy giai đoạn”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ.
Chậm tiến độ có khi lại... hay
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu ai lo lắng chậm tiến độ thì phải đặt câu hỏi tại sao chậm. “Nếu việc quy hoạch, xây dựng báo cáo tiền khả thi làm tốt thì dự án triển khai sớm hơn, dư luận không thắc mắc”, ông Tống nói.
Nhìn nhận dự án trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, đòi hỏi dự án phải được tính toán cẩn thận, chi tiết tránh lãng phí. Do đó điều quan trọng không phải dự án nhanh hay chậm mà là dự án đã tính toán khoa học chưa.
Tính toán khoa học được hiểu ở nhiều khía cạnh như: Nguồn vốn thực hiện dự án, quy mô dự án, nhu cầu bức thiết dự án…
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không (nguyên nguyên Chủ nhiệm khoa Hàng không-Đại học Bách khoa TP.HCM). |
“Những tính toán khoa học này sẽ được thể hiện trong báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành. Tôi chắc chắn sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được đưa ra Quốc hội thảo luận sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn. Khi đó rất khó thông qua nhanh, vì vậy chuyện chậm tiến độ là điều dễ hiểu”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, việc Ủy ban kinh tế Quốc hội đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội cơ chế đặc thù về thu hồi đất, tái định cư, cụ thể là xin bố trí vốn để tái định cư, giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt báo cáo khả thi là không đúng trình tự quy định của luật đầu tư công.
"Không thể đi tắt kiểu đó bởi nếu báo cáo khả thi không đạt yêu cầu, Quốc hội bác bỏ thì việc thu hồi đất, xây khu tái định cư, giải phóng mặt bằng làm trước đó bỏ phí.
Đặt cơ chế riêng nhưng thực chất người ta muốn làm nhanh để khi báo cáo khả thi không đạt yêu cầu thì cũng là chuyện đã rồi (tức đã thu hồi đất, đã xây dựng khu tái định cư, đã giải phóng mặt bằng), khi đó không làm cũng phải làm", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.
Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nếu thực tế dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ cũng là cách hay để dư luận kiểm chứng thực sự sân bay Tân Sơn Nhất quả tải như thế nào.
Theo Giáo Dục