Chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động, kho ngoại quan đóng tại Khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai), chuyên cung cấp thuốc nhuộm và hóa chất trong ngành dệt may của Huntsman Textile Effects thuộc Tập đoàn Huntsman (trụ sở tại Mỹ) hiện đã hoạt động hết 100% công suất (250.000 tấn).
Đây là một trong những dự án của doanh nghiệp đến từ Mỹ đầu tư vào ngành phụ trợ dệt may Việt Nam, nhằm đón các cơ hội về thị trường khi nhu cầu sử dụng hóa chất, thuốc nhuộm trong ngành này đang tăng rất cao tại Việt Nam.
Ông Paul G. Hulme, Chủ tịch toàn cầu của Huntsman Textile Effects cho biết, kho ngoại quan nhằm cung cấp hoá chất trong ngành dệt nhuộm đến khách hàng tại Việt Nam một cách nhanh chóng hơn. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của thị trường Việt Nam mà Huntsman Textile Effects sẽ tính toán có thể tiếp tục mở rộng đầu tư về quy mô.
Ngành dệt may được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP, do vậy được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư. |
Đại diện Tập đoàn Huntsman Textile Effects cũng đưa ra nhận định, lĩnh vực hóa chất, thuốc nhuộm còn có dư địa phát triển tốt tại Việt Nam trong những năm tới, khi TPP có hiệu lực, vốn đầu tư vào sản xuất sợi, vải sẽ tăng lên.
Nhận định của Huntsman Textile Effects hoàn toàn trùng khớp khi nhìn vào đường đi của vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua.
Số liệu của Hiệp hội Dệt - May Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến hết năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may của Việt Nam đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Đây là số vốn cao kỷ lục từ trước tới nay.
Còn theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó dệt may là 15,2 tỷ USD. Amcham ước tính, đến 2025, xuất khẩu dệt may sang Mỹ sẽ đạt tới con số 20 tỷ USD.
Dòng vốn từ Mỹ vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ TPP đem lại. Hàng loạt dự án khủng đã đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư ở Việt Nam. Ngay trong tháng 1/2016, Công ty Avery Dennison RBIS thuộc Tập đoàn Avery Dennison của Mỹ chuyên về tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí cho ngành dệt may, da giày đã chính thức khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.
Thông tin từ tập đoàn này cho biết, nhà máy sẽ cung cấp các giải pháp về nhãn mác, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thương hiệu nổi tiếng đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong đó, Avery Dennison RBIS sẽ sản xuất mác quần áo cho những thương hiệu như Uniqlo hay North Face, Nike, Adidas…
Nhà máy mới được thiết kế hiện đại, áp dụng các kỹ thuật sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí trên mọi chất liệu mang tiêu chuẩn thế giới của Tập đoàn Avery Dennison.
Theo ông Deon Stander, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Avery Dennison RBIS, khoản vốn đầu tư vào Nhà máy tại Long An thể hiện cam kết phát triển của Avery Dennison với ngành dệt may Việt Nam cũng như khách hàng tại thị trường này.
Cơ sở sản xuất mới tại Long An sẽ giúp Avery Dennison RBIS nâng cao năng lực sản xuất nhãn ép nhiệt và phục vụ khách hàng nhanh chóng hơn, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của các thương hiệu và tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới.
“TPP sẽ khiến nhiều hãng dệt may tăng sản xuất tại Việt Nam. Họ càng đến nhiều, Avery Dennison RBIS càng thuận lợi trong kinh doanh, theo đó nhà máy tại Long An sẽ cho phép Avery Dennison tăng trưởng cho đến năm 2020”, đại diện nhà đầu tư đến từ Mỹ cho biết.
Động thái mở rộng đầu tư của Avery Dennison RBIS vào ngành phụ trợ dệt may Việt Nam diễn ra khá dồn dập khi nhận thấy tín hiệu về TPP có chiều hướng suôn sẻ về đàm phán và có thể đi tới ký kết. Trước đó, vào tháng 7/2015, Avery Dennison RBIS đã mở Trung tâm phân phối sản phẩm tại quận Bình Tân (TP.HCM), đồng thời tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy tại Long An cũng trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng, nhu cầu sử dụng phụ liệu của ngành may mặc trong nước càng lớn khi quy mô ngành dệt may tăng lên trong những năm qua. Việt Nam chưa sản xuất được hóa chất, nhãn mác… nên hàng năm chi nhập khẩu những mặt hàng này lên tới cả tỷ USD. Rõ ràng, vốn FDI vào Việt Nam vào đúng khâu đang thiếu và yếu sẽ có cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Sơn cũng nhận định, các nhà đầu tư vào ngành phụ liệu may mặc, da giày tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển, bởi dư địa cho lĩnh vực này rất lớn.
Theo Báo Đầu Tư