Trung Dũng: “Vốn dắt lưng” 2 USD và thương vụ khiến cả nước Mỹ “e dè”
Sinh năm 1967 tại Việt Nam, đến Mỹ từ năm 17 tuổi với “vốn liếng dắt lưng” vỏn vẹn 2 USD và vốn tiếng Anh ít ỏi, Trung Dũng đã khiến cho cả nước Mỹ phải e dè và nể phục vì khả năng vươn lên của mình.
Những ngày đầu sang Mỹ là khoảng thời gian khó khăn của Trung Dũng. Lúc đầu, Trung Dũng và người chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana, sau đó chuyển sang Boston. Một năm sau, ông may mắn vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học hai môn Toán, Tin tại Trường Đại học Massachusetts ở Boston.
Trung Dũng tiếp tục vừa học vừa làm đủ mọi công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Mặc dù vậy, chàng thanh niên nghèo năm nào vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ và bắt đầu khởi nghiệp tại Công ty phần mềm thương mại điện tử OpenMarket.
Nhận ra rằng đây chính là thời điểm bùng nổ Internet, Trung Dũng quyết định rời OpenMarket để thành lập công ty OnDisplay vào năm 1996. OnDisplay trở thành một trong những công ty thành công ở Mỹ.
Năm 1999, OnDisplay là một trong 10 công ty lần đầu lên sàn chứng khoán thành công nhất ở Mỹ. Năm 2000, Trung Dũng đã khiến cho cả nước Mỹ e dè và nể phục khi chuyển nhượng công ty OnDisplay cho hãng Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.
Sau thành công với OnDisplay, Trung Dũng tiếp tục thực hiện một số dự án kinh doanh và đạt được không ít thành công. Trung Dũng hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Mobivi – công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Bùi Tiến Dũng: Người Việt thành công nhất tại IBM
Dzung T. Bùi (Bùi Tiến Dũng) sinh ra tại Tiền Hải, Thái Bình. 17 tuổi sang Mỹ du học với hành trang vỏn vẹn một chiếc va li nhỏ và 150 USD, giờ đây ông đã trở thành người con đất Việt thành công nhất tại IBM - tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia lớn nhất thế giới.
Với suy nghĩ người Việt mình không kém ai, ông không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực. Để trang trải tiền ăn học, ông kiếm việc làm thêm từ bưng bê, dọn dẹp cho tới làm phát thanh viên cho một chương trình truyền thanh tiếng Việt.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành kỹ thuật điện – điện tử tại Trường Đại học Minnesota (bang Minnesota), Bùi Tiến Dũng nộp đơn xin việc và được nhận vào làm tập đoàn IBM. Ông làm tại phòng thí nghiệm Rochester.
Sau hơn 1 năm làm việc tại phòng thí nghiệm, nhận thấy mình có năng lực trong lĩnh vực bán hàng, ông xin chuyển qua phụ trách mảng sales, marketing và tiêu thụ sản phẩm.
Từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong mảng kinh doanh sản phẩm của tập đoàn IBM, từ Phó Chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latinh, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp IT. Hiện ông là Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của IBM.
Charlie Tôn Quý: "Vua" nails tại Mỹ
Charlie Tôn Quý (tên Việt Nam là Tôn Thất Khương Quý), sinh năm 1970 tại Qui Nhơn. Tôn Quý là con trai thứ 2 trong một gia đình có bốn anh em trai. Năm 1986, sau khi học xong lớp 8 tại Việt Nam, Tôn Quý một mình đến bang Louisiana, Mỹ khi mới 14 tuổi.
Một năm sau khi sang Mỹ, Charlie Tôn Quý bắt đầu tiếp tục học trung học tại trường West Jefferson, New Orlean, Lousiana. Năm 1995, anh tốt nghiệp ngành kỹ sư hóa học tại Đại học bang Louisiana và lập gia đình trong thời gian đó.
Trong thời gian đi học, Charlie phải vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đến năm 1995, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành hóa, Charlie Tôn Quý bắt đầu bước chân vào thương trường với số vốn nhỏ nhoi. Vì vợ anh kinh doanh tiệm nails nên anh nảy ra ý tưởng mở một tiệm cung cấp linh kiện và hóa chất cho các tiệm nails khác.
Cuối năm 1997, trong một lần đi mua sắm tại Wal-Mart – chuỗi siêu thị mua sắm lớn nhất tại Mỹ, Charlie quan sát và nhận ra rằng có đến 70% khách hàng tại đó là phụ nữ. Anh đã nảy ra ý tưởng đề nghị Wal Mart hợp tác để anh mở tiệm nails ngay trong khu vực thương mại của họ. Quá trình đàm phán và thuyết phục Wal-Mart tại Mỹ kéo dài mất 2 năm, Charlie mới nhận được cái gật đầu của “kẻ khó tính” này.
Cho đến nay, các cửa hàng Regal Nails làm theo phương thức franchise (nhượng quyền) của Charlie Tôn Quý đã lên tới con số gần 1.200 tiệm trải dài trên khắp đất Mỹ. Từ một người dân nhập cư với hai bàn tay trắng, Charlie đã xây dựng Regal Nails trở thành một đế chế nails lớn tại Mỹ
Theo thống kê, doanh thu mỗi năm của toàn hệ thống Regal Nails là khoảng 500 triệu USD. Mức doanh thu lên tới nửa tỷ USD mỗi năm quả thực là một con số không hề nhỏ chỉ với công việc chăm sóc và sơn sửa móng tay, móng chân tại Mỹ.
Theo lời một chuyên gia trong ngành chứng khoán, nếu Regal Nails niêm yết trên sàn chứng khoán thì cổ phiếu của hãng này sẽ là một trong những cổ phiến hot nhất vì con số doanh thu ấn tượng cũng như yếu tố an toàn do không có nợ.
Theo Tri Thức Trẻ