The Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố báo cáo Triển vọng các ngành kinh tế 2016, nêu bật những phân tích và dự báo về triển vọng các ngành ô tô, bán lẻ, năng lượng, tài chính, y tế và viễn thông. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn phần nói về ngành bán lẻ.
Thế giới phẳng
Tính trên phạm vi toàn cầu, doanh số bán lẻ sẽ duy trì tăng trưởng ổn định trong năm 2016. Doanh số bán hàng được dự báo tăng 2,7% trong năm 2016, giống như trong năm 2015. Tuy nhiên, các thay đổi trong thói quen chi tiêu đã tác động tiêu cực đến nhà bán lẻ, làm doanh nghiệp lỗ nhiều hơn do người mua sắm chuyển sang các kênh trực tuyến.
Môi trường bán lẻ ở Mỹ Latinh vẫn bất ổn trong bối cảnh giá hàng hóa giảm và khó khăn kinh tế ở các thị trường trọng điểm. Dù có cải thiện chút đỉnh, doanh số bán hàng vẫn sẽ co lại trong năm 2016. Ở Châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là nhân tố thúc đẩy doanh số bán hàng khu vực, nhưng các thị trường như Việt Nam và Indonesia mới là tâm điểm của sự chú ý.
Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi cùng chung một viễn cảnh bấp bênh do các đe dọa an ninh và bất ổn kinh tế. Bất chấp những tiến bộ kinh tế ổn định, Tây Âu tiếp tục gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng ở eurozone: ví dụ như tăng trưởng ở Tây Ban Nha sẽ không đủ để đẩy chi tiêu dùng trở lại mức như năm 2008.
Ngoài ra, Châu Âu còn đang trong tình trạng báo động về khủng bố sau vụ xả súng ở Paris trong khi Châu Phi và Trung Đông phải đối mặt với nhiều cuộc nổi loạn. Mặc dù khu vực Châu Phi cận Sahara có nhiều tiềm năng tăng trưởng, đầu tư vào đây chỉ thu được thành quả sau mười hoặc hai mươi năm nữa, chứ không phải trong năm 2016.
Người thắng và kẻ thua
Năm 2015 đánh dấu sự đi xuống của các nước BRICs khi chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là hoạt động tương đối ổn mặc dù tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Trong khi đó, các nước MINT (Mexico, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ không đạt được tăng trưởng cao như dự báo.
Việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Bất chấp sự giảm tốc của Trung Quốc, giống như Ấn Độ, tăng trưởng bán lẻ ở Việt Nam sẽ vượt qua hầu hết các nước khác, đặc biệt ở thương mại điện tử.
Các nước có khả năng gặp nhiều khó khăn nhất là những nước bị ảnh hưởng bởi áp lực giảm phát và tỷ giá hối đoái như Venezuela (cũng bị tác động bởi giá dầu chạm đáy). Căng thẳng địa chính trị và lệnh trừng phạt sẽ đè nặng lên Nga và Ukraine.
Công nghệ tiếp tục phát triển
Theo chiều tích cực, các cải tiến công nghệ có từ năm 2015 sẽ được triển khai rộng rãi hơn trong năm 2016. Showroom hóa đã trở thành một xu thế của các cửa hàng truyển thống. Các cửa hàng này ngày càng khuyến khích người mua sắm sử dụng điện thoại thông minh với hy vọng nâng cao trải nghiệm trong cửa hàng bằng cách triển khai WiFi, mã phản ứng nhanh (một loại mã vạch) và chụp ảnh check-in tại của hàng (giúp cửa hàng theo dõi khách hàng và trao quà tặng).
“Beacon”, thiết bị phát Bluetooth dùng để kết nối với điện thoại thông minh của khách hàng mà trước đó đã được quảng bá rầm rộ nhưng không được đón nhận nhiệt tình, sẽ dần được ưa chuộng trong thời gian tới.
Trong năm 2016, cải tiến công nghệ sẽ tiếp tục diễn ra với các sản phẩm mới được sử dụng phổ biến hơn nhưng chưa thể đem lại đột phá trong thói quen tiêu dùng. Thanh toán bằng ứng dụng trong điện thoại thông minh sẽ đi vào cuộc sống.
Các đợt ra mắt sản phẩm mới của Apple sẽ tiếp tục với việc iPhone 7 và iPad Air 3 được dự kiến bán ra vào mùa xuân. Nhưng không chỉ có Apple, năm 2016 sẽ chứng kiến các nhà chế tạo đồng hồ truyền thống như Casio và Tag Heuer bước vào giới công nghệ bằng việc ra mắt các mẫu đồng hồ thông minh của mình
Thương mại hóa
Năm tới cũng sẽ chứng kiến sự bùng nổ thương mại hóa dựa trên phim và truyền hình. Các trường hợp thương mại hóa thành công gần đây đã ăn theo các bộ phim được chuyển thể từ truyện tranh như Người dơi và Avengers, và các phim hoạt hình của Disney như Frozen và Minions. Điều này không chỉ đúng với những phim có ngân sách lớn. Chú lợn Peppa, một bộ phim hoạt hình của Anh đã trở thành thương hiệu tỷ đô nhờ sự nổi tiếng ở Bắc Mỹ.
Cơn sốt phim ảnh đã tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ sản xuất đủ mọi loại hàng tiêu dùng ăn theo từ đồ dùng gia đình cho đến bánh kẹo. Những nhà bán lẻ có khả năng nhượng quyền đa dạng sẽ có lợi thế lớn nhất trong xu thế này. Ví dụ như Ledo, hãng này hiện nay đã có các sản phẩm được thiết kế theo nhiều bộ phim và truyện tranh nổi tiếng.
Một trường hợp điển hình là bộ phim Star Wars. Doanh số bán các mặt hàng ăn theo phim sẽ tăng trong năm 2016 nhờ việc phát hành phần bảy của loạt phim được chờ đón từ lâu này vào giữa tháng 12 năm 2015. Sự thành công của bộ phim trải dài bốn thập niên này đã thúc đẩy hoạt động mua sắm ở người tiêu dùng có tuổi cũng như nhắm đến một thể hệ người hâm mộ mới.
Kenner, công ty bán các sản phẩm ăn theo Star Wars đã thu lãi ròng khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ năm 1978 đến 1985 và bán được 300 triệu mô hình cho đến nay. Nhưng ngay cả trước khi phim được ra mắt, doanh số bản các sản phẩm ăn theo Star Wars của hãng hoạt hình Disney ước đạt 3 tỷ USD trong năm 2015. Con số này có thể tăng lên 5 tỷ USD vào năm tới – và một loạt các công ty khác cũng sẽ sớm gia nhập cuộc chơi.
Kỷ nguyên của người tiêu dùng?
Bỏ qua cơn sốt phim ảnh sang một bên, giá cả sẽ một lần nữa là tâm điểm của năm 2016 bất chấp việc thu nhập của người tiêu dùng dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế đang đè nặng lên các nước như Nga và Brazil, một làn sóng người tiêu dùng mới ở các thị trường mới nổi sẽ gia nhập xu hướng mua hàng giá rẻ.
Có một cách giải thích dễ hiểu cho sự nhạy cảm về giá này. Thương mại di động (m-commerce) cho phép người mua sắm so sánh giả cả của gần như mọi mặt hàng và bình luận của người mua trên mạng xã hội còn trao cho người tiêu dùng nhiều quyền năng hơn nữa. Chỉ với một nút bấm, người mua có thể tìm được sản phẩm tốt nhất cho nhu cầu của mình và quyết định nơi mua sắm với giá tốt nhất.
Do đó, biên lợi nhuận bán lẻ sẽ tiếp tục giảm. Trước năm 2009, WalMart có biên lợi nhuận từ 3-4% nhưng đến tháng 10 năm 2015, con số này đã tụt xuống mức 2,8%. Giám đốc tài chính của Sainsbury’s, công ty cũng trong hoàn cảnh tương tự đã dự đoán biên lợi nhuận trong bán lẻ thực phẩm trước kia từng cao đến 5% sẽ giảm xuống khoảng 3%.
Các nhà bán lẻ sẽ tìm cách tận dụng giá thấp khi cố thu hút người mua bằng các chương trình hạ giá kéo dài và mạnh tay hơn nữa. Các ngày đại hạ giá trong mùa lễ hội – Black Friday, Cyber Monday, Super Saturday và Manic Monday đang dần biến thành một giai đoạn chiết khấu liên tục kéo dài từ tháng mười một đến tháng một.
Nhiều công ty bắt đầu chương trình giảm giá Black Friday trước tận một tuần trong khi Lễ Tạ Ơn lại đang trở thành một ngày giảm giá được gọi là “Grey Thursday”. Amazon hiện đang chạy chương trình giảm giá “mua nhanh” 365 ngày trong năm.
Cũng giống như các ngành khác, bán lẻ cũng phải đối mặt với một năm 2016 đầy thách thức. Tuy nhiên cơ hội sẽ giành cho những kẻ đi đầu.
Theo Tri Thức Trẻ