Nguyễn Duy Vĩ, đồng sáng lập tugo.com.vn: Tôi liều có tính toán!

Thứ sáu, 22/01/2016, 10:57
“Khách hàng cứ vác ba lô lên và trải nghiệm, chi phí và chỗ ở để Tugo lo”, ông Nguyễn Duy Vĩ, đồng sáng lập, Giám đốc tiếp thị của Tugo.com.vn nói về lý do trang đặt tour trực tuyến Tugo ra đời với các kế hoạch theo chân cảm xúc của du khách.

Theo chân cảm xúc du khách

Tháng 6/2015, Tugo.com.vn gia nhập vào thị trường đặt tour du lịch trực tuyến. Nhìn bên ngoài, Tugo không khác biệt với các website cùng lĩnh vực, ngoài mức giá cạnh tranh hơn. Song, điểm khác biệt nhất, theo chính người sáng lập Nguyễn Duy Vĩ, lại là sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác.

“Nghĩa là, đối tác phải đảm bảo chất lượng tour đã bán cho khách. Tugo sẽ đảm bảo số lượng khách hàng theo cam kết. Về phần mình, Công ty cam kết bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu khách hàng không hài lòng sau chuyến đi”, ông Vĩ giải thích rõ cách làm của Tugo.

Ông Nguyễn Duy Vĩ

Nhưng ông Vĩ cũng thừa nhận, điểm khác biệt này vẫn chưa đủ để xoay chuyển thực tế là thị trường du lịch trực tuyến dù rất tiềm năng, nhưng chưa có mấy khởi sắc. “Chúng tôi hiểu bản chất của vấn đề là vì thiếu niềm tin. Tình trạng bát nháo của một số doanh nghiệp trong ngành khiến khách hàng không tin ngay ở mô hình du lịch truyền thống, chưa đừng nói chi đến mô hình bán trực tuyến. Nếu không có niềm tin, thật khó thuyết phục khách hàng đặt tiền mua tour, thường có giá trị không nhỏ, với … một cái máy tính”, ông Vĩ nhớ lại những ngày đầu lên kế hoạch tiếp cận thị trường.

Mấy tháng đầu, ông Vĩ với vai giám đốc tiếp thị vất vả vô cùng. Kiếm được khách đã khó. Lại có không ít đối tác giữa đường giở chứng, Công ty phải bỏ tiền túi ra bồi thường cho khách hàng.

“Nhưng sau mỗi lần như vậy, khách hàng nhớ đến chúng tôi hơn. Chúng tôi cũng dần hình thành một danh sách đối tác tin cậy. Số này chỉ gần một nửa so danh sách định hướng ban đầu. Nhưng đây là lúc chúng tôi tin là mọi kế hoạch có thể bắt đầu chạy”, ông Vĩ kể lại.

Lúc này, cuộc chơi dần định hình giữa những đối tác mà ông Vĩ gọi là đàng hoàng, chuyên nghiệp. Giao kèo về trách nhiệm được đưa ra khi số khách hàng mua tour qua Tugo tăng lên. Các đối tác chấp nhận để Tugo giữ một phần số tiền tour cho đến khi nhận được phản hồi từ khách hàng.

Tuy nhiên, ông Vĩ cũng không thể né tránh thực tế là dù có lấy khách hàng làm trọng tâm, nhưng Tugo lúc đó vẫn là một cái tên mới, chưa có gì nổi trội. Trong khi du lịch lại là ngành theo mùa,  nếu như từ tháng 6 các tour trong nước đi biển, đảo… nổi lên, thì sau tháng 9 là xu hướng khách chọn tour đi nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Với các doanh nghiệp nhỏ và mới, việc lựa chọn tour đi nước ngoài sẽ rất khó nhằn do chi phí lớn, rủi ro cao.

“Vào mùa tour đi nước ngoài, chúng tôi quyết định liều tham gia. Gọi là liều nhưng chúng tôi đã tính kỹ, nếu lỡ mùa này thì chưa biết thương hiệu của chúng tôi có sống sót đợi mùa du lịch hè không”, ông Vĩ nói.

Tháng 9/2015, Tugo bước chân vào thị trường tour Hàn Quốc. Hết năm, Tugo trở thành doanh nghiệp đứng thứ 3, sau hai ông lớn là SaigonTourist và Viettravel, trong thị trường này với tần xuất 4 tour đi du lịch Hàn Quốc một tháng. Hiện tại, tour đi Hàn Quốc của Công ty đã kín khách đến tháng 3/2016.

Từ con số không, sau 6 tháng, tới nay, mỗi tháng Tugo tiếp hơn 1000 lượt khách trong đó tỷ trọng khách có nhu cầu đi Hàn Quốc chiếm hơn 30%. Cùng với đó, dòng tiền mặt lên tới vài tỷ đồng đều đặn về, giúp Tugo có thể triển khai các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả hơn.

Theo ông Vĩ, có hai lý do để Tugo đi nhanh được thời điểm vừa rồi. Một là, uy tín của mấy tháng đầu chỉ chuyên đi bồi thường khách hàng do đối tác không chuẩn. Hai là, bắt đúng xu thế trở lại của dòng khách đi Hàn Quốc sau một thời gian chững lại. Hiện tại, Tugo đang lên kế hoạch mở thêm tour theo yêu cầu của khách hàng của Tugo.

“Với chúng tôi, nếu lơ là một phút cảm nhận và mong muốn của khách hàng, Tugo sẽ thua”, ông Vĩ nói.

Đây cũng là lý do mà Công ty của ông có tên là Tugo. Tu là biến thể dễ gọi của từ tour. “Khách hàng cứ vác ba lô lên du lịch, chi phí và chỗ ở để Tugo lo”, ông Vĩ nói.

Dám thay đổi

Ông Vĩ theo học chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng không… tốt nghiệp. Ông bỏ ngang kỳ thi cuối để đi làm cho một công ty sản xuất phim hoạt hình của Nhật Bản vào năm 2007. Rồi ngay năm sau, ông chuyển sang làm công ty gia công game cho thị trường Việt Nam. Năm 2010, Vĩ đứng ra mở trung tâm Anh văn, nhưng nhìn chung không có gì nổi bật, như Vĩ tự nhận xét.

Dường như Nguyễn Duy Vĩ ưa trường phái xê dịch. Nhưng ông Vĩ lý giải, quan điểm khi khởi nghiệp là hãy bước ra khỏi nhà, hãy va chạm thật nhiều và không ngừng học hỏi. Mọidự án khởi nghiệp của Vĩ đều bắt đầu từ những lần va vào thực tế.

“Sự nghiệp” của Vĩ định hình hơn khi bắt tay vào dự án khởi nghiệp thứ ba của mình, đó là kinh doanh bánh bột lọc trực tuyến với cái tên ấn tượng “Ẩm thực nhà Bu” vào năm 2014. Nguyên do của Dự án này khá đơn giản, vì Vĩ không tìm không được chỗ bán bánh bột lọc đúng khẩu vị. Vốn là người sành ăn, nên ngay lập tức, Vĩ nhìn thấy cơ hội cho mình.

Nhưng “Ẩm thực nhà Bu” cũng khá trầy trật vì thời gian đầu, quy trình không có, việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đúng như mong muốn rất khó. Ông Vĩ kể, nhiều khi bột giao không đúng chất lượng, ông buộc phải hủy đơn hàng và chấp nhận chịu lỗ, giảm giá cho khách hàng khi họ đặt bánh lần sau. Đã vậy, nhân sự làm bánh phần lớn là lao động phổ thông, chưa quen với kỷ luật công nghiệp, nên rất khó quản lý. Vĩ buộc phải quán xuyến hết, từ việc xây dựng quy trình sản xuất, giao hàng, làm việc với nhà cung cấp đến đào tạo nhân viên các cấp.

Dần dần mọi việc đi vào ổn định, bình quân một ngày “Ẩm thực nhà Bu” xuất xưởng 200 đến 300 chiếc. Nhiều khách hàng đã đến đặt mua để mang qua Mỹ, Nhật, Singapore, Đức, Pháp… làm quà cho người thân.

Nghe ông kể, có hai yếu tố giúp “Ẩm thực nhà Bu” đứng vững. Thứ nhất là, chất lượng đảm bảo, không chất bảo quản. Thứ hai là, áp dụng phương pháp tiếp thị trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

Nhưng quan trọng nhất dường như là chiến lược kinh doanh dựa theo tâm lý của khách hàng. Vì ông Vĩ nói, “Ẩm thực nhà Bu” không bán bánh lẻ, chỉ bán theo những ngày cố định trong tuần. Chính  cách làm này đã tạo ra sự kích thích, tò mò đối với khách hàng ngay từ đầu, họ sẽ chờ đợi để ăn thử. Và lúc này, chất lượng và khẩu vị sẽ quyết định giữ chân khách cho những lần tiếp sau.

Điều này dường như cũng đang là cách đi mà ông Vĩ làm với Tugo.

Nhưng để làm được điều này, đúng như ông Vĩ nói, thì sự linh hoạt, sẵn sàng thay đổi của đội ngũ quản lý rất quan trọng. Là doanh nghiệp mới, nên hiện tại Tugo đang có lợi thế này.

“Tuy nhiên, sự linh hoạt phải theo nguyên tắc. Chúng tôi phải sự phân công rõ ràng của từng thành viên để đảm bảo niêm tin là bộ máy phải được vận hành đúng kế hoạch”, ông Vĩ chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng phải nói thêm, 3 thành viên sáng lập của Tugo đều là những người có kinh nghiệm trong ngành du lịch, khách sạn. Họ chia nhau đảm trách các bộ phận quan trọng của Công ty.

Kế hoạch sàn du lịch trực tuyến

Những ngày đầu năm  2016, những người bạn gặp nhau, bàn chơi rồi quyết tâm làm thật của Tugo đang lên kế hoạch mới.

Ông Vĩ cho biết, họ muốn mở thêm dịch vụ đặt phòng khách sạn để tăng thị phần du lịch trong nước của Tugo. Song song đó, sẽ triển khai mạnh chương trình phát hành thẻ thành viên (Premium Card), giảm 10% tất cả dịch vụ của ugo bao gồm: tour, khách sạn, vé máy bay. Khách hàng có thể mua làm quà tặng cho đối tác, bạn bè.

Nhưng mối quan tâm của họ đang dồn vào mô hình sàn thương mại điện tử trong du lịch. Theo đó, các công ty du lịch sẽ đưa sản phẩm lên sàn để khách hàng chọn, trải nghiệm và đánh giá dịch vụ. Tugo đảm nhiệm vai trò dẫn khách. Mục tiêu, trong 5 năm sẽ đựa sản phẩm này mở rộng sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

“Dự án này cần nguồn lực từ bên ngoài. Tugo đang trong quá trình tìm các nhà đầu tư tâm huyết với ngành du lịch và ngành thương mại điện tử”, ông Vĩ nói.

Nhưng chắc kế hoạch này cũng không phải đơn giản. Vì dầu sao, Tugo vẫn là một tên tuổi mới. Còn các ông lớn trong ngành cũng đang thay đổi và nâng cao chất lượng dịch vụ để thực hiện các chiến lược riêng của họ.

“Nhưng nhỏ cũng đang là lợi thế, vì chúng tôi có thể thích ứng rất nhanh với các chuyển động của thị trường”, ông Vĩ nói.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch của ông Vĩ, việc các công ty lớn trong ngành du lịch tham gia vào cuộc chơi sẽ làm cho cuộc chơi thêm phần thú vị, đồng thời nâng cao chất lượng của ngành du lịch Việt Nam.  Dĩ nhiên, Tugo cũng có một số bất lợi, cụ thể là về mặt tài chính, nhưng những người sáng lập đang tin rằng, tập thể những thành viên của Tugo sẽ đủ sức tồn tại và phát triển.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn