Bộ đôi hậu thuẫn
Với kế hoạch trở lại và chính thức thâm nhập thị trường, AuchanSuper được cho là đã chọn đúng thời điểm kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục và cũng là lúc các tên tuổi bán lẻ đến từ châu Âu Metro Cash & Cary và BigC lần lượt bán mình cho đối tác Thái Lan.
Nhưng đó là chuyện người ta, còn với AuchanSuper, hai tên tuổi sẽ đi cùng trong kế hoạch trở lại Việt Nam lần này đã được chọn là là C.T Group và Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec).
AnchanSuper đang có 3 siêu thị Simply Mart tại TP.HCM và muốn mở thêm 15 siêu thị nữa trong năm nay. |
Trước hết là thị trường phía Nam. Năm 2014, AuchanSuper chọn RH Group (thành viên Tập đoàn C.T Group) đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ cao cấp và đang chịu trách nhiệm phát triển hệ thống siêu thị S.Mart từ năm 2012. Dựa trên nền tảng đó, 1 năm sau, nhà bán lẻ này đã phát triển 3 siêu thị Simply Mart của riêng mình. Dự kiến trong năm nay, Tập đoàn sẽ bùng nổ thêm 15 siêu thị nữa ở TP.HCM, với quy mô mỗi siêu thị có diện tích từ 2.000 đến 3.000m2.
Theo ông Philippe Delalande, Chủ tịch tài chính Tập đoàn, dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án siêu thị này ở Việt Nam rơi vào khoảng 35 - 40 triệu euro.
Dưới bàn tay Chủ tịch Trần Kim Chung, C.T Group khá nổi tiếng ở thị trường TP.HCM, với 36 công ty thành viên hoạt động trong 6 lĩnh vực chính là bất động sản, bán lẻ cao cấp, xây dựng, đầu tư tài chính, ẩm thực – giải trí và y tế - giáo dục, đồn điền - khoáng sản và du lịch sinh thái.
Có thể nói, AuchanSuper chọn được CT.Group làm cánh tay phải của mình thì ở thị trường TP.HCM.
Còn cánh tay trái cũng đã được chọn, là Mipec và ở khu vực thị trường Hà Nội. Dù chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng Mipec lại sở hữu khoảng 50 địa điểm, dự án bất động sản lớn ở phía Bắc, chưa kể địa điểm nhỏ lẻ.
13 năm có mặt trên thị trường, Mipec từ một công ty chuyên sản xuất dầu mỡ chuyên dụng cho khí tài quân sự, đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như xây dựng hạ tầng, kho bãi, cầu cảng, kinh doanh xăng dầu, tham gia thị trường bất động sản và kinh doanh bán lẻ phục vụ nhu cầu dân sự.
Cùng với việc bắt tay làm đối tác chiến lược, AuchanSuper đặt chân đến thị trường Hà Nội, bắt đầu kế hoạch triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại miền Bắc, với mục tiêu đạt 20 siêu thị đến năm 2020. Siêu thị đầu tiên hoạt động cuối năm nay, có diện tích 3.700 m2, đặt tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên.
Để thực hiện mục tiêu này, sau khi bắt tay hợp tác chiến lược, Auchan và Mipec sẽ góp vốn thiết lập liên doanh chuyên về bán lẻ.
Ông Đào Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Mipec cho biết: “Mục tiêu của Mipec tham gia sâu vào lĩnh vực bán lẻ chủ yếu đi song hành các dự án bất động sản, địa điểm. Diện tích mỗi điểm cho mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ của AuchanSuper khoảng 1.500 m2 đến 4.000 m2.
Việc Auschan chọn 2 đối tác tại thị trường phía Nam và phía Bắc, theo ông Thạch không ảnh hưởng gì vì mục đích của nhà bán lẻ là phát triển mạng lưới nhanh. Mà mạng lưới phụ thuộc vào địa điểm, ai nắm được nhiều quỹ đất trong tay sẽ có nhiều địa điểm tốt.
Riêng về nguồn nhân lực phục vụ cho bán lẻ trong liên doanh này, theo ông Thạch, chủ yếu do phía AuchanSuper có kinh nghiệm hơn chịu trách nhiệm.
Hai điểm chốt chiến lược
Tập đoàn AuchanSuper hoạt động 774 đại siêu thị và siêu thị 817 ở 15 quốc gia, với hơn 302.000 nhân viên. Auchan là nhà bán lẻ lớn thứ 4 tại Pháp, chiếm 9,2% thị phần và bán lẻ thực phẩm lớn thứ 10 trên thế giới về doanh thu.
Tập đoàn có 4 ngành nghề kinh doanh bổ sung: đại siêu thị, siêu thị, bất động sản thương mại, và các hoạt động ngân hàng của người tiêu dùng. Ngoài ra, đế chế bán lẻ này còn sở hữu một loạt các hệ thống cửa hàng khác như Decathlon (chuyên kinh doanh hàng thể thao), Tapis Saint-Maclou Kiabi (kinh doanh quần áo), Boulanger (đồ gia dụng), các nhà hàng Flunch và Pizza Pai.
Sau BigC (Tập đoàn Casino), Simply Mart là chuỗi siêu thị thứ hai của Pháp có mặt tại thị trường Việt Nam, mang đến sự am hiểu của người Pháp về lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Nếu như Casino lên kế hoạch bán BigC ở Việt Nam để cơ cấu các khoản nợ được cho ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, thì những chú chim của Pháp (biểu tượng của AuchanSuper) tỏ ra kiên cường và bất khuất trước những sóng gió của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Mặc dù là một trong những doanh nghiệp giàu có nhất nước Pháp, thuộc gia đình Gerald Mulliez, rất ít khi phải dùng tới vốn đi vay, nhưng các tổ chức tài chính thế giới luôn muốn được rót vốn đầu tư cho nhà bán lẻ này. Năm 2014, Tổ chức tài chính quốc tế IFC đã loan tin đang xem xét đầu tư 250 triệu euro vào AuchanSuper, để hỗ trợ việc mở rộng mạng lưới siêu thị trong 3 năm tới tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tính bảo mật là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của gia đình nhà Mulliez, nhất là khi liên quan tới các con số như doanh thu, vốn đầu tư và lãi. Tuy nhiên, quan sát đường đi nước bước thì chiến lược của AuchanSuper, có hai điểm đáng chú ý.
Đầu tiên là chiến lược sáp nhập và liên minh với các tập đoàn nội địa ở các nước khác nhau để “cắm rễ” trên xứ người đã tỏ ra rất hiệu quả. Bằng chứng là, AuchanSuprer nhanh chóng chiếm được vị trí trong danh sách các hệ thống kinh doanh bán lẻ quốc tế khổng lồ nhất khi bắt tay với doanh nghiệp địa phương , ở Việt Nam là C.T Group và Mipec. Thực tế chiến lược này về cơ bản không có gì khác biệt so với các nhà bán lẻ ngoại khác đã từng vào Việt Nam, nhưng AuchanSuprer lại chọn cùng một lúc hai đối tác ở hai thị trường trọng điểm Hà Nội và TP.HCM.
Thứ hai, Auchan áp dụng những sách lược rất hiệu quả ngay từ thời khởi thủy bước chân vào bán lẻ: không tham lãi mà cố gắng bán được nhiều, với giá rẻ nhất có thể. Chiến lược này giống với Walmart và BigC. Walmart thì chưa vào Việt Nam, còn BigC với chiến lược “giá rẻ cho mọi nhà” đã giúp nhà bán lẻ Pháp chiếm được những vị trí đắc địa nhất ở tỉnh, thành phố trọng điểm.
Tư duy toàn cầu, hành động địa phương
Để thống lĩnh được thị trường, các hãng bán lẻ của nước ngoài sẽ phải học nhiều để hiểu được văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sau đó học cách hoạt động theo cách riêng của mình.
So với các nước phương Tây, người tiêu dùng chỉ có thời gian đi siêu thị vào cuối tuần và mua sắm đồ ăn cho cả tuần sau đó, thì ở các nước châu Á lại quen với việc mua sắm đồ ăn mỗi ngày. Và dù thị trường tiêu dùng có đa dạng tới cỡ nào, họ cũng không thay đổi thói quen này. Nhất là thị trường Việt Nam, khi 70% doanh số bán lẻ vẫn nằm trong tay các kênh bán lẻ chợ truyền thống, chợ vỉa hè… Đây là điều mà các nhà bán lẻ châu Âu cần phân tích.
Đối với AuchanSuprer, có vẻ họ đã có kinh nghiệm chinh chiến từ thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Ví dụ, Sun Art Retail – một liên doanh giữa chuỗi siêu thị lớn RT Mart (Đài Loan) và AuchanSuper được cho là đã thành công khi tận dụng tốt kiến thức về văn hóa Trung Quốc.
Nếu nhìn từ bên ngoài, các cửa hàng của Sun Art có thể trông giống với các siêu thị của Wal-Mart, nhưng ở bên trong họ đã bài trí lại sao cho giống các khu chợ trên phố ở Trung Quốc.
Chuỗi bán hàng của Sun Art có văn phòng quản lý riêng tại địa phương và đưa ra các chương trình giảm giá hàng hóa đa dạng tùy thuộc vào thị hiếu tại từng địa phương. Đặc biệt, tâm lý khách hàng nơi đây rất thích mua hàng giá rẻ mà chất lượng lại tốt không khác gì thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đặc thù các ngôi nhà nơi đây thường nhỏ hơn so với các ngôi nhà ở phương Tây, do đó cho dù người tiêu dùng muốn mua sắm rất nhiều hàng hóa, họ cũng không thể làm như thế vì họ sẽ không có đủ không gian để lưu trữ. Điều này trái ngược với kỳ vọng của AuchanSuper khi luôn muốn bán được nhiều hàng cho người tiêu dùng mỗi khi đến siêu thị. Tuy nhiên, để thích ứng được với văn hóa tiêu dùng này, AuchanSuper buộc phải thay đổi và tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng.
Các cửa hàng đã phát triển tốt khi tập trung vào việc quản lý hệ thống kho hàng và đảm bảo chọn đúng các sản phẩm để bày bán, thay vì xây dựng không gian trưng bày quá lớn. Cách tiếp cận này đã giúp Sun Art đạt lợi nhuận cao so với đối thủ. Và chuỗi bán lẻ này tiếp tục mở thêm các cửa hàng mới ở Trung Quốc, nhưng họ không cố gắng chạy đua về số lượng cửa hàng so với đối thủ.
Như vậy, nhìn vào bước tiếp cận ban đầu ở thị trường Việt Nam với hai đối tác C.T Group và Mipec có nhiều thế mạnh khác biệt, thì AuchanSuper, dù chỉ mới có 3 siêu thị đang hoạt động ở TP.HCM, rất có thể sẽ tham gia ngang hàng vào cuộc chinh chiến với các đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc để phân chia tiếp miếng bánh thị phần dù dư địa không còn nhiều.
Theo Báo Đầu Tư