Phố Wall hôm qua (11/2) đã gia nhập làn sóng bán tháo toàn cầu. Chỉ 20 phút sau khi mở cửa, 3 chỉ số chính, gồm S&P 500, Nasdaq và Dow Jones Industrial Average đã mất gần 1,5%. Các tài sản rủi ro đang bị bán rất mạnh, từ cổ phiếu ngân hàng, dầu thô cho đến tiền tệ các nước mới nổi.
Trước đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục hướng tới mốc thấp nhất từ tháng 10/2013, chủ yếu bởi đà giảm của các cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư lo ngại tình hình hoạt động của các nhà băng, do lợi nhuận thấp và nợ xấu. FTSE 100 (Anh) giảm 1,82%, DAX (Đức) mất gần 2%, còn CAC 40 (Pháp) giảm tới 3%. Thị trường Thụy Điển cũng lao dốc bất chấp quyết định hạ lãi suất xuống âm của ngân hàng trung ương.
Các tài sản trú ẩn vì thế tăng giá mạnh. Yên Nhật lên cao nhất so với USD trong hơn một năm. Giá trái phiếu các thị trường lớn, như Mỹ, tăng vọt. Còn giá vàng cũng đã lên 1.243 USD một ounce.
Tín hiệu tăng kích thích kinh tế từ nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Nhật Bản và châu Âu không thể xoa dịu mối lo kinh tế toàn cầu chậm lại của các nhà đầu tư. Thị trường cũng phớt lờ tuyên bố của bà Janet Yellen - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rằng sẽ không vội vã tăng lãi suất để thích ứng với các biến động tài chính gần đây.
"Vài năm gần đây, mỗi lần có tin tức xấu, chứng khoán thế giới vẫn đi lên do kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ vì điều này mà tăng kích thích. Nhưng giờ đây, nhà đầu tư lại cho rằng tin xấu thực sự là rất xấu. Họ lo ngại khả năng can thiệp của các ngân hàng trung ương, vì tin rằng thị trường đang bị điều khiển bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan này", Mohit Kumar - Giám đốc Chiến lược Lãi suất tại mảng ngân hàng đầu tư thuộc Credit Agricole giải thích.
Chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi chiều 11/2 cũng mất 2,3%, hướng tới đà giảm lớn nhất 3 tuần, do khoản lỗ của các hãng năng lượng. Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giao dịch trở lại phiên cùng ngày cũng mất tới 3,9%. Đây là khởi đầu năm âm lịch tệ nhất 22 năm qua. Hang Seng China Enterprises Index cũng mất 4,9%. Trong khi đó, các thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam vẫn đóng cửa nghỉ Tết Nguyên Đán.
Kospi Hàn Quốc mất 2,9% do Triều Tiên tuyên bố đóng cửa Khu công nghiệp chung Kaesong với Hàn Quốc, một ngay sau khi Seoul tuyên bố rút các công ty khỏi đây để trừng phạt việc Bình Nhưỡng thử tên lửa và hạt nhân gần đây.
Tại Nga, chỉ số Micex mất 2% do giá dầu lao dốc. Chứng khoán các thị trường mới nổi khác, như Ấn Độ, Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm mạnh.
Rúp Nga và rand Nam Phi dẫn dầu đà giảm của nhóm tiền tệ các nước đang phát triển. Trong khi đó, giá NDT trên thị trường quốc tế lại lên cao nhất hơn một tháng, sau số liệu cho thấy ngân hàng trung ương nước này đang can thiệp hỗ trợ tỷ giá.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu tiếp tục phá đáy 3 tuần, do dự trữ của Mỹ tăng lên, bất chấp nguồn cung giảm xuống. Dầu WTI hôm nay mất 2,8% xuống 26,69 USD một thùng. Trong khi đó, dầu Brent mất 1,8% xuống 30,28 USD.
Theo VnExpress