Chân dung vị nữ tướng đứng sau Vietjet Air

Thứ năm, 11/02/2016, 07:49
Có sự tương đồng với một số vị "đại gia", nữ doanh nhân này cùng chồng xây dựng cơ nghiệp ban đầu của mình tại Liên bang Nga.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air

Tháng 9 năm 2013, hãng hàng không tư nhân VietJet Air gây chấn động ngành hàng không trong nước khi bất ngờ công bố vừa ký kết thỏa thuận đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại với Airbus, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và 8 chiếc thuê. Tổng giá trị giao dịch theo biểu giá của nhà sản xuất lên tới 9,1 tỷ USD.
Tiếp tục đến năm 2015, hãng hàng không này lại tuyên bố tiếp tục ký kết hợp đồng với Airbus mua thêm 6 chiếc máy bay Airbus A320, trị giá gần 600 triệu USD và 30 máy bay A321 (21 A321neo và 9 A321ceo) mới với tổng giá trị công bố lên tới 3,6 tỷ USD.
Cùng với đó, Vietjet Air cũng liên tục chi hàng triệu USD đặt mua bộ động cơ để trang bị cho các máy bay mới đặt hàng.
Theo ước tính, chỉ trong vỏn vẹn hơn 2 năm, hãng hàng không giá rẻ này đã đặt mua tới 98 chiếc máy bay, thuê 8 chiếc và quyền mua 30 chiếc cùng mua hơn 15 động cơ với tổng số tiền dự chi lên tới hơn 14,5 tỷ USD.
Cũng giống như đại đa số các hãng hàng không giá rẻ khác, VietJet Air dùng tiền vay để tài trợ cho đội bay của mình. Tuy nhiên, có thể nói, hiếm có hãng hàng không nào có tốc độ đặt hàng "khủng" và mạnh tay chi ra số tiền lớn như VietJet Air. Điều này phần nào cho thấy thực lực cũng như vị thế của "bà chủ" đứng sau doanh nghiệp này.
Vậy, đại gia bí ẩn đang điều hành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam là ai? Vì sao họ lại có tiềm lực đến vậy?
Được biết, ba cổ đông chính của Vietjet Air là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HD Bank. Và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, thành viên sáng lập Sovico Holdings hiện đang giữ ghế Tổng giám đốc Vietjet Air.
Bà Thảo có tuổi đời còn khá trẻ, sinh năm 1970, là một người phụ nữ kín tiếng, ít khi xuất hiện trước báo giới. Bà là Cử nhân Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dan Phêklanôp, Liên bang Nga; Cử nhân Tài chính - Tín dụng Ngân hàng Đạ học Thương mại, Liên bang Nga; Tiến sỹ điều khiển học tự động tại Học viện Mendeleev (Moscow - Liên bang Nga).
Giống như đại gia “gốc” Nga khác, bà Thảo cùng chồng xây dựng cơ nghiệp ban đầu của mình tại Liên bang Nga từ cuối thập kỷ 80, với các ngành hàng như tiêu dùng, nhu yếu phẩm, hàng thực phẩm, điện tử, may mặc…
Sau khi trở về Việt Nam từ những năm 2000, vợ chồng bà cùng Sovico đầu tư vào nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản, tài chính ngân hàng và cả hàng không.
Bà chủ hãng hàng không giá rẻ này là một trong 10 nữ doanh nhân thành công nhất 2013 được Forbes Việt Nam vinh danh.
Người phụ nữ này đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Tài chính – Ngân hàng, tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng, định chế tài chính, công ty quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài.
Bên cạnh việc đảm nhận ví trí "nữ tướng" ở Vietjet Air, bà Thảo hiện còn đang cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT điều hành Sovico và giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Với kinh nghiệm và tài năng của mình, có vẻ như người phụ nữ này đang chèo lái Vietjet Air "bay" đúng hướng. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 của Vietjet Air cho thấy doanh thu của hãng đạt 8.100 tỷ đồng, trong khi mục tiêu năm 2015 đạt trên 11.600 tỷ đồng. Sang đầu năm 2015, lãnh đạo Vietjet Air cho biết là hãng đã có lãi, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.
Trong khi đó, thị phần của hãng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm vừa qua. Theo cục hàng không dân dụng Việt Nam, thị phần nội địa của Vietjet Air trong năm 2015 đạt khoảng 36,3%, tăng gần 7% so với năm 2014.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn