BigC Việt Nam: Thao tác chuyển nhượng chỉ còn là hình thức?

Thứ sáu, 12/02/2016, 07:15
Những thông tin rõ rỉ về thương vụ chuyển BigC Việt Nam vào tay tập đoàn bán lẻ Thái Lan đang tiếp tục gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, theo một số nhân sự đang làm việc trong hệ thống kinh doanh BigC thì vấn đề này đã được định liệu khá lâu.
Hàng hóa Việt Nam rồi sẽ rất khó "đi vào" các siêu thị đã chuyển nhượng như BigC?

Một nhân sự quản lý ở BigC Đà Nẵng cho biết, từ trước mùa Noel 2015, tất cả cán bộ quản lý trong hệ thống đại siêu thị này đều đã nhận các yêu cầu làm báo cáo, đánh giá phần việc quản lý của mình, cùng các kiến nghị cần thiết, phục vụ cho công tác kiểm kê, thẩm định về sau.

Bề ngoài, động thái này được giải thích để tổng kết hoạt động kinh doanh trong năm 2015, nhưng thực chất ai cũng hiểu, điều này hàm nghĩa việc sắp xếp chuyển nhượng là đã xong.

“Dĩ nhiên đối tác Thái Lan cụ thể sẽ như thế nào và vào thời điểm nào sẽ chuyển đổi chủ sở hữu hệ thống, thì chúng tôi không được rõ, nhưng chắc chắn tinh thần thay đổi nhà đầu tư là đã cụ thể. Thao tác chuyển nhượng chỉ còn là hình thức thôi. Vấn đề ở chỗ, sau khi chuyển nhượng, hệ thống sẽ có thay đổi. Nhà đầu tư sẽ sắp xếp, xử lý lại hoạt động siêu thị, mà nhân sự sẽ là khâu có thể đổi nhiều. Dự báo này khiến nhiều người lo lắng và nói thật, mùa Tết Bính Thân vì vậy không hào hứng lắm với mọi người làm việc ở BigC hiện nay”. Nhân sự quản lý này tâm sự.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng cho siêu thị BigC, hiện trạng lâu nay của siêu thị này là khâu vận hành còn chưa tốt và công tác sắp xếp hàng hóa, tạo tiện dụng cho khách hàng chưa hiệu quả. Mô hình kinh doanh, quản trị hàng hóa của BigC so với các siêu thị mới ra đã lỗi thời hơn.

Do đó, chắc chắn khi đổi qua nhà đầu tư bán lẻ khác, diện mạo hệ thống siêu thị này sẽ phải thay đổi và qua đó, biến chuyển về cơ cấu nhân sự là điều dễ hiểu.

Đặc biệt về vấn đề hàng hóa vào siêu thị, với sự “lấn sân” ngày càng mạnh của các nhà đầu tư Thái Lan, có thể thấy cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào các kênh bán lẻ hiện nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

“Dù họ có cam kết hỗ trợ hàng Việt Nam đi nữa, tần suất và cơ hội cho sản phẩm Việt song hành hàng Thái cũng sẽ giảm. Điều này đồng nghĩa với các áp lực cạnh tranh trong bối cảnh TPP đã triển khai sẽ càng tăng thêm. Mỗi doanh nghiệp Việt nên cần nhanh chóng nhận thấy hoàn cảnh này để kịp thay đổi, nếu không muốn bị triệt tiêu ngay chính sân nhà”. Giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tại Đà Nẵng thổ lộ.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn