Việc Chính phủ đưa ra hàng loạt điều chỉnh theo hướng mở cửa ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, ưu tiên cho xe nhỏ dung tích xilanh dưới 1.500cc, "chặn đường" với xe dung tích lớn liệu có giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam tìm được đường thoát hiểm để trụ hạng khi phải mở cửa thị trường trong thời gian tới?
Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ ký ban hành quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp (CN) ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành CN ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đây là những quyết sách "mở đường máu" cho ngành CN sản xuất ôtô khi mà chỉ 10 năm nữa ngành ôtô sẽ không còn đường lùi vì phải mở toang cửa theo các cam kết hội nhập.
Cụ thể, quyết định sẽ tạo điều kiện phát triển các dòng xe chiến lược ưu tiên tại Việt Nam gồm xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn có sức chở đến 3 tấn; xe chuyên dùng, xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh; xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, kích thước nhỏ, dung tích xilanh từ 1.500cc trở xuống, tiết kiệm nhiên liệu, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Nội hoá xe công, mở cửa ưu đãi, CN ôtô Việt Nam có thoát khỏi cửa tử? |
Những dòng xe trong diện ưu tiên sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế trong quá trình sản xuất cũng như thương mại. Ngược lại những dòng xe có dung tích xilanh trên 3.000cc nhập khẩu sẽ bị "chặn cửa" khi phải gánh phí môi trường và chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cao và đặc biệt cao trong thời gian tới.
Theo đó, những cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất, mua và sử dụng các dòng xe ưu tiên trên sẽ được hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu cho các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất linh kiện, phụ tùng, lắp ráp ôtô và xe chuyên dùng của các doanh nghiệp trong nước từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động cũng được ưu đãi với mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng quyết định. Các dự án đầu tư sản xuất linh kiện và phụ tùng được hưởng các ưu đãi về đất đai theo quy định pháp luật về công nghiệp hỗ trợ...
Bên cạnh những ưu đãi trong việc sản xuất, quy định mới cũng đưa ra các hỗ trợ trong chính sách kích cầu, phát triển thị trường trong đó đáng chú ý là vấn đề xe công. Cụ thể, quy định nêu rõ đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển, các dự án kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động khi có sử dụng sản phẩm thuộc dòng xe ưu tiên sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước với các loại xe trong nước sản xuất được.
Trong trường hợp mua sắm chủng loại xe ưu tiên mà trong nước sản xuất được bằng hình thức đấu thầu quốc tế hoặc nhập khẩu nguyên chiếc, chi phí mua sắm không được tính là hợp lệ và không được hỗ trợ bằng ngân sách.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - chia sẻ, đây chính là điểm mới của cơ chế, chính sách lần này so với Quyết đinh 1168 trước đây. Trên thực tế, việc tạo cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, vốn đã hấp dẫn, song không bằng tạo cơ hội thị trường cho DN.
Hiện nhiều DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước như Trường Hải đã làm chủ công nghệ lắp ráp ôtô tải nhỏ, xe buýt, đa dụng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương lại nhập khẩu các lô xe buýt từ Trung Quốc, gây bức xúc dư luận và sử dụng tiền ngân sách để mua xe ngoại. Với cơ chế mới, việc này sẽ chấm dứt vì theo quy định, địa phương sẽ không được sử dụng tiền ngân sách để mua sắm các chủng loại xe trong nước đã sản xuất được.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là quy định đáng hoan nghênh bởi lâu nay các cơ quan tiêu tiền ngân sách không điếm xỉa đến việc tiền ngân sách là tiền thuế mà người dân và DN trong nước đóng.
Nếu dùng tiền ngân sách để mua sản phẩm trong nước sẽ kích thích sản xuất trong nước, tạo thêm công ăn việc làm sẽ tốt hơn nhiều việc nhập khẩu xe nguyên chiếc.. Chuyên gia này cũng đề cập tới việc chi ngân sách để mua sắm công thường xuyên vượt định mức quy định, như năm ngoái có tới 40.000 xe công. Do đó, nếu chỉ cần một nửa con số mà dùng xe trong nước thì cũng đã đỡ đi cho các ngành sản xuất trong nước.
Đánh giá về những điều chỉnh trong chiến lược phát triển ngành CN ôtô Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng những điều chỉnh này được đưa ra "quá muộn nhưng muộn còn hơn không" vì từ giờ đến năm 2018 - thời điểm phải mở cửa hoàn toàn - là thời gian hết sức gay gắt, mang tính quyết định đến sự tồn tại của ngành ôtô trong nước.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cần xem xét về cách thức phát triển các ngành công nghiệp phụ kiện để tránh lặp lại câu chuyện của ngành dệt may.
Đúng là mở ra cho DN trong nước nhưng theo kiểu đánh đồng đầu tư nước ngoài với DN trong nước thì lại dẫn tới hệ quả người ta tháo dỡ các nhà máy phụ kiện của họ ở nước ngoài và mang sang Việt Nam để hưởng ưu đãi của nhà nước Việt Nam.
Theo Lao Động