Hiện tượng khách tố hàng quán, dịch vụ bán giá cao, thái độ phục vụ không tốt liên tục xuất hiện trong những ngày đầu năm.
Mùng 3 Tết, một khách hàng tại TP.HCM đã phản ánh người này phải trả 200.000 đồng để thanh toán một hộp cơm xào mực ở quán bình dân Đà Nẵng. Theo miêu tả của vị khách này, hộp cơm chỉ có cơm và vài lát mực, ngoài ra không có thêm bất cứ loại hải sản nào khác.
Một ngày sau (mùng 4 Tết), dư luận lại xôn xao khi khách hàng khác chia sẻ về tờ hóa đơn 4 triệu đồng tại một quán cà phê nằm trên đường Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng.
Theo thông tin trên hóa đơn này, một cốc nước cam có giá 110.000 đồng, cà phê 86.000 đồng, nước chanh 90.000 đồng, chai bia Heineken giá 90.000 đồng, đắt gấp 7-8 lần so với giá chung trên thị trường.
Hình ảnh tờ hóa đơn được cho là chặt chém khách tại Đà Nẵng. Ảnh: Facebook. |
Mới đây, ngày mùng 8 Tết, một khách hàng ở Nha Trang cũng cho biết, chị bị nhân viên hàng cơm hất bát đĩa bẩn vào người và đuổi đi khi phản ánh về chất lượng đĩa cơm rang hải sản 150.000 đồng và thái độ phục vụ.
Trước đó, mùng 7 tháng Giêng, khách hàng hành hương khu du lịch Yên Tử tố bị chặt chém với mâm cơm bình dân giá lên đến cả triệu đồng. Theo lời chị này, chủ quán tính giá 200.000 đồng một đĩa thịt luộc, 400.000 đồng đĩa bò xào, 2 bát cơm 90.000 đồng. Khách cho rằng giá trên quá đắt so với mặt bằng hàng quán bình dân.
Chia sẻ về vấn đề này, độc giả Nguyễn Thanh Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hành vi “chặt chém” khách hàng của những điểm du lịch đầu năm là không còn mới. Song, hộp cơm xào mực giá 200.000 đồng, ly nước cam 110.000 đồng so với mặt bằng chung là quá đắt.
“Với cách làm ăn không giữ uy tín như hiện tại, các quán ăn phải bị xử phạt thích đáng. Nếu cứ tiếp tục tái diễn, các cơ sở này cũng không tồn tại được bao lâu”, chị cho hay.
Cũng đồng tình với ý kiến của chị Hằng, độc giả Xuân Bình, cho rằng, so với ngày thường và mặt bằng chung cũng như giá nguyên liệu thực phẩm đầu vào, mức giá mà các hàng quán trên đã niêm yết trong thực đơn là quá đắt. Việc này cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, nếu người dùng dịch vụ hỏi giá trước hoặc nhận thấy giá trên thực đơn đắt đỏ thì sẽ không dẫn đến tình trạng này. "Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi giá trước khi vào quán. Đặc biệt tại một số điểm du lịch, vào những ngày này, khách nên hỏi chi tiết giá chỗ ngồi, công phục vụ… phòng trường hợp một số nơi tính cả phí phát sinh", độc giả này bình luận.
Phần lớn ý kiến độc giả gửi về Zing.vn đều đồng tình các hành vi trên là "cắt cổ người dùng" và yêu cầu xử lý thật nghiêm các đơn vị vi phạm. Song cũng có người cho rằng, lỗi cũng do khách hàng không biết cách hỏi giá, thương lượng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Võ Đình Ngọc Tuyên, Phó phòng Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho rằng, đĩa cơm hải sản 200.000 đồng hay ly cam 110.000 đồng đều có thể chấp nhận được nếu nhà hàng có niêm yết giá và bán đúng giá.
“Hãy thử phân tích giá cả thực phẩm ngày Tết tăng gấp đôi bình thường, nhân viên phải làm việc trong thời gian được nghỉ để phục vụ khách đi chơi thì họ được trả lương gấp 3 lần là điều đương nhiên và đúng luật.
Thực tế, 200.000 đồng một hộp cơm hải sản bán ở Đà Nẵng trong ngày Tết không đắt. Bởi ngày thường, một đĩa cơm như thế này bán tại các nhà hàng, quán ăn lớn tại Phan Thiết hay các điểm du lịch biển khác đã ở mức 120.000 đồng", bà Tuyên cho hay.
Cũng theo đại diện Sở VHTTDL Bình Thuận, khi nhà hàng niêm yết giá các món ăn, khách mua chắc chắn có xem thực đơn và chấp nhận mua. Đây là câu chuyện thuận mua vừa bán, nên đừng tố quán chặt chém.
Thực phẩm, nhất là hải sản biến động theo ngày nên hàng quán thường niêm yết giá từng loại theo thời giá chứ không có giá trần. Do đó, khi cơ quan quản lý kiểm tra, nhắc nhở thường căn cứ vào quy định niêm yết giá và buộc các hàng quán bán đúng giá niêm yết.
Theo bà, nhà hàng đã làm đúng thì không thể gọi là chặt chém. Song khi kinh doanh trong vùng du lịch, có cạnh tranh, đơn vị nào bán giá cao, vượt quá mặt bằng chung xung quanh thì họ sẽ mất khách.
"Những khách biết chụp hình đưa lên mạng xã hội thì chuyện trả giá, xem giá trước khi quyết định mua một sản phẩm là người có kinh nghiệm chứ không phải khách lần đầu đi du lịch", bà chia sẻ thêm.
'Cạnh tranh bằng đẩy giá lên là hoàn toàn sai'
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, tình trạng lợi dụng các mùa du lịch, lễ, Tết để “chặt chém” khách hàng và thái độ phục vụ thiếu văn hóa đã xảy ra từ nhiều năm nay.
Dù báo chí đã phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng đáng tiếc, hiện tượng trên vẫn xảy ra tại một số nơi trong dịp đầu xuân năm nay. Việc kinh doanh theo kiểu chộp giật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và niềm tin của người tiêu dùng. Nếu không được kịp thời ngăn chặn, theo ông, hình ảnh ngành dịch vụ du lịch Việt Nam trong con mắt du khách trong nước cũng như nước ngoài sẽ xấu đi.
Cũng theo ông Hùng, trong dịp lễ Tết, đơn vị cạnh tranh phải bằng chất lượng phục vụ tốt, giá cả thấp hơn. Nhiều đơn vị cạnh tranh bằng cách đẩy giá lên là hoàn toàn sai. “Nếu họ cạnh tranh bằng cách nâng giá, ‘chặt chém’ khách hàng thì chẳng khác nào hành động tự dẹp tiệm. Bởi trong thời đại kỹ thuật số, khi có bất cứ thông tin về hành vi chặt chém, cách xử sự không tốt, đơn vị kinh doanh sẽ mất khách ngay lập tức”, ông Hùng cho hay.
Để không bị chặt chém
Với kinh nghiệm làm quản lý du lịch, bà Võ Đình Ngọc Tuyên cho biết, khách đi du lịch khi sử dụng dịch vụ cần phải tham khảo giá và xem giá niêm yết trước khi mua. Du khách không nên sử dụng dịch vụ ở những cửa hàng không niêm yết giá.
"Đặc biệt khi mua ở những điểm bán hàng rong, vỉa hè, khách hàng cũng phải hỏi và trả giá trước khi mua, tránh những hiểu lầm, mất tiền và mang bức xúc không đáng có", bà nói.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, khách có thể khảo sát giá thị trường qua lễ tân khách sạn, xe ôm, xe xích lô song cần tỉnh táo tránh tình trạng “đội lốt” - người dẫn khách ăn phần trăm. Bên cạnh đó, những cửa hàng đông khách thường là chỉ dấu của địa điểm có uy tín.
Theo Zing