Tình trạng "chặt chém" tại những địa điểm đền chùa, khu du lịch không còn mới. Đã có nhiều chỉ đạo, điều chỉnh hạn chế vấn nạn trên.Song chỉ trong một tuần Tết Bính Thân, những vụ tố quán ăn hét giá trên trời, thậm chí đuổi khách liên tiếp xảy ra khiến người dân bức xúc. |
Đơn cử, trường hợp một du khách ở TP.HCM khi du xuân tại Sơn Trà, Đà Nẵng trong ngày mùng 3 Tết đã bị chủ quán cơm bình dân trên đường Võ Nguyên Giáp tính giá 2 hộp cơm xào mực với giá 400.000 đồng. Theo du khách này, mức giá trên là quá đắt bởi hộp cơm xào chỉ có vài lát mực, ngoài ra không có thêm bất cứ loại hải sản nào khác.Tuy nhiên, sau đó, trả lời báo chí, cơ quan chức năng cho hay rất khó xử lý chủ quán vì giá dịch vụ đã được niêm yết và tang vật đã mất. |
Hình ảnh hóa đơn đồ uống gần 4 triệu đồng tại một quán cà phê ở Đà Nẵng khiến dư luận xôn xao. Trong đó, một cốc trà gừng có giá 90.000 đồng, ly nước cam 110.000 đồng. Đặc biệt một chai Heneiken giá 90.000 đồng, rượu vang 450.000 đồng,đắt gấp 7-8 lần so với giá chung trên thị trường. |
Một quán cơm bình dân gần khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh) tính giá đĩa bò xào 400.000 đồng, thịt luộc 200.000 đồng, 2 bát cơm trắng 90.000 đồng... khiến khách hàng giật mình.Dù biết bị "chặt chém", nhưng du khách này vẫn phải ngậm ngùi móc tiền trả do không hỏi giá trước. |
Không những phải trả 150.000 đồng cho một đĩa cơm rang hải sản nguội ngắt, hai vị khách ở thủ đô khi du xuân tại Nha Trang đã bị nhân viên nhà hàng này ép ăn, hắt bát đĩa bẩn vào người rồi đuổi ra khỏi quán. Sau đó, theo lời chủ quán, nhân viên nói trên đã bị đuổi việc. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas),rất đáng trách những đơn vị kinh doanh có hành vi "chặt chém" và thái độ ứng xử không tốt với khách hàng. Song phía khách hàng cũng cần tỉnh táo và chủ động lựa chọn, hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ. |
Theo Zing