Trong nhiều năm qua, người dân Venezuela được hưởng một cơ chế giá nhiên liệu thấp nhất thế giới, với mức trung bình chỉ 0,02 USD một lít xăng. Mức giá này từng được chính người dân Venezuela cho rằng rẻ hơn cả không khí, nước lã, bởi chỉ với khoảng 1 USD tiền xăng, người dân có thể lái xe đi đủ 6 vòng xung quanh đất nước.
Tuy nhiên, điều này đã chấm dứt khi Tổng thống Nicolás Maduro hôm nay công bố một cơ chế giá mới, Bloomberg đưa tin. Theo đó, giá xăng rẻ nhất tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ lên mức 1 boliviar (khoảng 0,1 USD) cho 1 lít. Các loại xăng có hàm lượng octane cao có thể lên tới 6 bolivar/lít, tức là tăng gấp hơn 60 lần so với giá hiện nay. Mức giá mới này, dù vậy, vẫn giúp Venezuela giữ được vị thế là nước có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới.
Kết quả trên là bằng chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền Venezuela nhằm thiết lập một cơ cấu giá nhiên liệu hợp lý, sau thời gian dài xăng được trợ giá cũng như chịu ảnh hưởng từ đồng nội tệ suy yếu.
Giá xăng tại Venezuela tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, trái với xu hướng giảm giá về mức thấp nhất của giá dầu thế giới trong vòng 1 thập kỷ. Ảnh: Bloomberg. |
Thực tế, việc tăng giá xăng là bài toán rất khó đối với chính phủ của Tổng thống Maduro. Bởi trước đó, những thử nghiệm trong năm 1989 đã gây ra cuộc bạo loạn tại Venezuela, khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây nên nỗi ám ảnh lớn đối với bất cứ nỗ lực của bất cứ đảng cầm quyền.
Cuộc biểu tình bạo loạn này cũng mở đường cho việc nắm quyền của chính phủ cố Tổng thống Hugo Chavez. Trong suốt 14 năm cầm quyền, ông Hugo Chavez không hề tăng giá xăng, dù giá các mặt hàng thiết yếu tại quốc gia này ngày càng leo thang.
"Đã đến lúc chúng ta thiết lập một hệ thống giá hợp lý để bảo đảm quyền lợi của người dân, công bằng cho xã hội nhưng cũng đủ để trang trải các chi phí sản xuất cũng như quản lý xăng dầu của Petroleos de Venezuela (công ty xăng dầu lớn nhất Venezuela)", Tổng thống Maduro phát biểu.
Sự thay đổi chính sách về giá xăng được xem là động thái ngầm chấm dứt cuộc chiến tranh kinh tế mà chính quyền Venezuela áp dụng nhằm chống lại nhữngđối thủ chính trị. Đây cũng được kỳ vọng là lối thoát cho nền kinh tế vốn đang sa lầy trong khủng hoảng.
Bởi dù là một thành viên của OPEC, dầu thô chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu hàng năm của Venezuela, nhưng nguồn thu cho ngân sách đã sụt tới 75% trong vòng một thập kỷ qua. Hơn nữa, chính sách in tiền để tài trợ cho các nhu cầu về tài chính đã khiến lạm phát của đất nước này đạt mức 141%, và có thể lên tới 720% vào cuối năm 2016, nếu không có nguồn thu bù đắp.
Sau chính sách về giá xăng, Tổng thống Maduro cũng công bố cơ chế 2 tỷ giá thay vì 3 như hiện nay, và kế hoạch tăng lương 20% vào ngày 1/3 tới.
Theo Zing