Ùn tắc dưa hấu cửa khẩu xuất sang Trung Quốc luôn là bài toán nan giải |
Theo TS. Nguyễn Đình Cung và TS. Trần Toàn Thắng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), xét trên góc độ độ mở thương mại, Việt Nam là một nước có độ mở khá cao trong khu vực cũng như trên thế giới, cho thấy tăng trưởng phụ thuộc vào thương mại càng cao. Độ mở thương mại của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, từ 115% GDP năm 2003 lên gần 160% năm 2013.
Trong khi đó, độ mở khu vực ASEAN thậm chí có xu hướng giảm (từ 143 xuống còn 140%); Trung Quốc cũng nằm trong nhóm nước có độ mở khá thấp, trên dưới 50% GDP và có độ ổn định cao. Điều này cho thấy trong bất kỳ một rủi ro nào về thương mại quốc tế Việt Nam dễ gặp rủi ro hơn các quốc gia khác.
Việt Nam dễ chịu rủi ro hơn với thương mại quốc tế
Xét về thị phần thương mại của các ngành nhập khẩu vào Trung Quốc, theo nghiên cứu của nhóm Ciem, sự phụ thuộc thấy rõ nhất ở các ngành nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến và rau quả.
Một rủi ro lớn đối với Việt Nam là các đơn hàng sang Trung Quốc hoặc đi qua đường tiểu ngạch, hoặc là hợp đồng theo chuyến hàng, khiến Việt Nam khó có thể dự đoán được nhu cầu thực tế của Trung Quốc và chịu phần thua thiệt trong đàm phán.
Với tổng tỷ lệ xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc tăng từ 11.9% năm 2010 lên thành 24% năm 2014, đã có nhiều lo ngại cho rằng việc tiếp tục phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khiến thị trường xuất khẩu Việt Nam thiếu tự chủ, giảm thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhóm ngành gỗ cũng có thị phần cao và tăng dần theo các năm, thể hiện mức độ phụ thuộc cao vào Trung Quốc. Đặc biệt khi ngành công nghiệp đồ gỗ còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 70-80% nhu cầu của ngành), nên sự phụ thuộc với Trung Quốc là khá lo ngại.
Thêm vào đó, khi phần lớn nguồn gỗ xuất khẩu của Việt Nam đến từ Lào và Trung Quốc, thì các yêu cầu mới của TPP như tối đa 45% nguyên liệu từ một nước không phải là thành viên, cũng sẽ gây trở ngại đến xuất khẩu gỗ của Việt Nam tới các thị trường tiềm năng hơn như Hoa Kỳ.
Trái ngược với ngành gỗ, thì các nhóm ngành nhựa và cao su, nhiên liệu tuy có thị phần thương mại với độ phụ thuộc khá cao trong năm 2005 nhưng đã giảm mạnh vào năm 2013.
Rủi ro thường trực với đồ gỗ, nông sản, thực phẩm
Về mức độ tập trung thương mại, khi mức độ càng cao thì hàng xuất khẩu càng chịu rủi ro lớn nếu như nước nhập khẩu có biến cố. Đối với Việt Nam, do cơ cấu thị trường xuất khẩu khá đa dạng và về cơ bản vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu của mình. Trong đó, ba thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (18.5%), Nhật Bản (11.3%) và Trung Quốc (10.1%).
Về mức độ tập trung xuất khẩu của một số sản phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc, cho thấy nhiên liệu vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với tỷ trọng chiếm khoảng 35-50%, song tỷ lệ này đã giảm mạnh xuống còn khoảng 10%.
Mặt khác, các loại hàng hóa sản xuất công nghiệp như máy móc, trang thiết bị, linh kiện điện, điện tử lại đóng góp đáng kể trong giá trị xuất khẩu và ngày càng tăng của Việt Nam sang Trung Quốc, từ dưới 10% năm 2005 tới mức hơn 20% năm 2015.
Riêng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày và dệt may, lại chiếm tỉ trọng hạn chế đối với Trung Quốc do Trung Quốc cũng có lợi thế về những mặt hàng này. Ngoài ra, các sản phẩm thực vật cũng là mặt hàng xuất khẩu chiến lược sang thị trường Trung Quốc với tỷ trọng dao động quanh mức 35%.
Tỷ trọng xuất khẩu theo măt hàng đặc biệt cao ở các nhóm ngành đồ gỗ, nhựa, cao su và rau quả và có xu hướng tăng từ 2005 đến 2013. Theo tỷ trọng, ngoài Trung Quốc, các nước khác có tỷ lệ nhập khẩu từ Việt Nam cao là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Theo Tri Thức Trẻ