Alibaba vs Amazon: Phương Đông so găng phương Tây trên chiến trường thương mại điện tử

Thứ hai, 22/02/2016, 09:48
Thương mại điện tử, một ngành kinh doanh đầy tiềm năng và lợi nhuận đang là "miếng bánh hấp dẫn" thu hút vô số tập đoàn, nhà đầu tư và startup tham gia. Trong đó, nếu nói về mảng bán lẻ trực tuyến thì không thể không nhắc đến 2 ông lớn là Amazon và Alibaba.
Ngành thương mại điện tử, hay kinh doanh trực tuyến đang ngày càng phát triển như vũ bão do người tiêu dùng ưa thích sự thuận tiện khi đặt hàng online. Rất nhiều công ty đã mở hàng loạt chi nhánh giao hàng cũng như phát triển hệ thống kinh doanh trực tuyến nhằm tiếp cận thị trường này.

Tuy nhiên, nếu nói về quy mô và tầm ảnh hưởng, tập đoàn Amazon và Alibaba hiện đang là những công ty thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới.

Mặc dù 2 công ty này đều hoạt động trong mảng kinh doanh trực tuyến nhưng mô hình kinh doanh của họ lại rất khác nhau. Trong khi Amazon là hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ thì Alibaba lại có vẻ giống như một nhà môi giới giữa khách hàng và nhà sản xuất hơn.

Lợi thế cạnh tranh

Dù doanh thu của Alibaba thấp hơn Amazon, nhưng tình hình kinh doanh của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc lại có vẻ khả quan hơn.

Tính đến hết năm tài chính tháng 3/2015, Alibaba có lợi nhuận 5,5 tỷ USD. Trong khi đó, tính đến hết năm tài chính tháng 12/2014, Amazon lại lỗ 241 triệu USD.

Doanh thu và lợi nhuận của Alibaba và Amazon (tỷ USD)

Nguyên nhân chủ yếu được nhiều chuyên gia cho là Alibaba tốn ít chi phí hơn Amazon. Hãng không phải trả phí lưu kho khi không có nhà kho, cũng không cấn phí duy trì hệ thống vận chuyển. Tất cả những dịch vụ này đều được thuê ngoài.

Trong khi đó, Amazon lại phải tốn chi phí cho những hệ thống này. Mới đây, nhiều chuyên gia suy đoán tập đoàn Amazon có lẽ sẽ gia nhập mảng Logistic nhằm tận dụng ưu thế kho bãi, vận chuyển của mình.

Hơn nữa, Amazon dường như đang đầu tư quá dàn trải với những mảng không phải cốt lõi, như phát triển smartphone của riêng hãng hay đầu tư công nghệ vũ trụ.

Thêm vào đó, Alibaba có một vị thế cực lớn trên thị trường Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới. Phần lớn khách hàng Trung Quốc chỉ biết đến Taobao của Alibaba mà không biết đến Amazon, eBay hay thậm chí Google.

Các khách hàng cũng không thể tìm kiếm sản phẩm của Taobao trên Google hay Baidu-trang tìm kiến lớn nhất Trung Quốc, mà chỉ có thể tìm trên Taobao.

Đây là điều mà Amazon không thể làm được với thị trường cốt lõi của mình là Mỹ.

Tuy nhiên, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc còn kinh tế Mỹ đang dẫn đầu đà tăng trưởng toàn cầu có thể là phao cứu sinh cho kết quả kinh doanh năm tới với Amazon.

Amazon

Thành lập từ năm 1994 bởi Jeff Bezos và có trụ sở tại Washington-Mỹ, Amazon mới đầu được thành lập trong thời kỳ bùng nổ bong bóng dot.com và hãng kinh doanh chủ yếu trong mảng bán sách trực tuyến.

Tập đoàn Amazon cũng là một trong số ít các công ty công nghệ vượt qua thời kỳ đổ vỡ bong bóng dot.com và dẫn trở thành một ông lớn trong ngành thương mại điện tử.

Được coi là hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, Amazon hoạt động theo mô hình kinh doanh “động”, nghĩa là hãng vừa bán lẻ trực tiếp nhưng cũng kinh doanh online.

Trong mảng bán lẻ, Amazon sẽ nhập một phần hàng hóa và tập kết tại một trong những hệ thống nhà kho trải rộng trên toàn thế giới. Vì mua sỉ và có vị thế lớn trong ngành bán lẻ, giá mua hàng một số dòng sản phẩm của Amazon sẽ rẻ hơn so với các hãng bán lẻ khác.

Hầu hết các khách hàng cảm thấy mua hàng trên Amazon sẽ rẻ hơn so với giá thực tế và hàng hóa đã được đóng gói sẵn sàng vận chuyển. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng cho một số dòng hàng hóa. Hơn nữa, Amazon vẫn phải nhập thêm hàng nếu lượng tiêu thụ vượt quá số hàng tồn kho.

Bên cạnh bán lẻ trực tiếp, trang web của Amazon cũng cho phép nhiều hãng bán lẻ khác tiếp cận với khách hàng. Phần lớn những sản phẩm thuộc thể loại kinh doanh này là những mặt hàng hiếm, xa xỉ nên chúng sẽ được tiêu thụ nhanh, làm giảm chi phí tồn kho của Amazon khi thực hiện dịch vụ chuyển hàng.

Tập đoàn bán lẻ Amazon không tính phí đối với người bán hàng, nhưng hãng có tính thêm phí “môi giới” vào giá bán.

Ngoài ra, khách hàng Amazon cũng có thể đăng ký dịch vụ Amazon Prime, theo đó người tiêu dùng sẽ trả phí hàng tháng để được miễn phí chuyển hàng trong 1-2 ngày. Loại hình kinh doanh này mới chỉ áp dụng cho một số sản phẩm giải trí, như đĩa nhạc hay đĩa phim.

Bên cạnh đó, bán sách trực tuyến cũng là mảng kinh doanh chủ lực của hãng khi người tiêu dùng có thể trả tiền để mua những bản sách online trên hệ thống Kindle.

Alibaba

Thành lập muộn hơn Amazon vào năm 1999 tại Quảng Châu bởi Jack Ma, nhưng Alibaba lại nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công trên thị trường Trung Quốc. Mới đầu, đối thủ trực tiếp của Alibaba là eBay khi cả 2 đều hoạt động trong mảng bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Alibaba là người chiến thắng sau cùng khi eBay buộc phải rời bỏ thị trường Trung Quốc vào năm 2008.

Trong khi người tiêu dùng Mỹ là đối tượng khách hàng truyền thống của Amazon thì thị trường Trung Quốc lại là sân nhà của Alibaba.

CEO Alibaba-Jack Ma

Mặc dù kinh doanh trên nhiều mảng, nhưng bán lẻ trực tuyến vãn là cốt lõi của tập đoàn này. Trong mảng bán lẻ trực tuyến, Alibaba hoạt động như một nhà môi giới giữa bên bán và bên mua dựa trên sự phổ biến của hệ thống website phát triển bởi hãng.

Hiện Taobao, website bán lẻ lớn nhất của Alibaba và cũng là trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc đang hoạt động như một trung tâm môi giới giữa các nhà bán lẻ và khách hàng.

Tuy nhiên, cả người mua và bán đều không phải trả phí “môi giới” như Amazon mà bên bán chỉ trả tiền để được xếp ở vị trí đẹp trên trang, hoặc được hiện lên đầu tiên khi khách hàng sử dụng công cụ tìm kiếm hàng hóa của Taobao.

Việc kinh doanh dựa trên doanh thu từ quảng cáo của Alibaba khá tương tự với mô hình kinh doanh của Google.

Trong khi hầu hết những người bán hàng trên Taobao là các công ty vừa và nhỏ, trang kinh doanh trực tuyến Tmall của Alibaba lại nhắm đến những khách hàng lớn như Nike, Apple, Gap…

Với vị thế ảnh hưởng của mình, hiện Alibaba đang tận dụng mọi lợi thế nhằm gia tăng doanh thu cũng như chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Thay vì sử dụng Paypal của Apple, hãng phát triển riêng hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay.

Ngoài ra, nếu Amazon có AWS cho mảng điện tử đám mây thì Alibaba cũng có Ali-yun. Cả 2 hãng đều đang sử dụng nguồn lực hỗ trợ phần mềm kinh doanh trực tuyến của mình như một sản phẩm mới tiếp thị cho bất kỳ công ty, tổ chức nào có nhu cầu thuê ngoài.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn