Thương mại điện tử VN năm 2016: Tăng tốc với nền tảng di động

Thứ tư, 27/01/2016, 10:32
4 tỉ đô la Mỹ chính là mức dự báo của Bộ Công Thương về doanh thu của toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2015. Con số này có thể tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay với định hướng phát triển một cách bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Thời của TMĐT trên nền tảng di động

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng văn phòng đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, hiện tại nếu doanh nghiệp hay cửa hàng nào kinh doanh trực tuyến có mức tăng trưởng bình quân 20% hằng năm thì có nghĩa là họ đang kinh doanh “thụt lùi” so với xu hướng thị trường; ít nhất là phải đạt 25-30%. “Nếu muốn tiếp tục đầu tư kinh doanh lâu dài thì nên hướng tới mức tăng trưởng từ 50% trở lên”, bà Hạnh nói.

Xoay xở để đạt mức tăng trưởng tốt

Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng cho biết ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Các quỹ đầu tư và tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước.

Bên cạnh các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Sendo, Zalora..., thời gian qua đã xuất hiện thêm các “tân binh” như Adayroi, SILDeal.vn...Các trang web thương mại điện tử kinh doanh lâu năm như Hotdeal.vn, muabannhanh.com, chotot.vn... cũng tăng cường mở rộng ngành hàng, dịch vụ giao - nhận, thanh toán.

Doanh thu của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong thời gian gần đây tăng mạnh nhờ các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến “ăn theo” mùa vụ như Black Friday, CyberMonday, CES (Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng ở Mỹ)... Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP.HCM cũng đã có những định hướng tổ chức các hoạt động mua sắm trực tuyến theo định kỳ như OnlineFriday, Vui là mua-Tin là sắm.

Một số doanh nghiệp như Lazada, Zalora, Tiki... tổ chức những chiến dịch, chương trình khuyến mãi riêng với quy mô lớn như “Cách mạng mua sắm trực tuyến” (Lazada), “Online Fever” (Zalora)... Các chiến dịch mua sắm-khuyến mãi tập trung này thường đạt mức doanh thu gấp 10-20 lần so với ngày thường.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thương mại điện tử cũng bắt đầu hợp tác với nhau để mở rộng ngành hàng, đa dạng hóa danh mục mặt hàng. Gần đây nhất là việc Lazada chính thức hợp tác với trang web bán phiếu mua hàng theo nhóm (groupon) Nhommua.com để mở ngành hàng bán phiếu mua hàng ưu đãi (voucher). Trước đó, các sản phẩm công nghệ đang được bán trong hệ thống bán lẻ FPT Shop cũng đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Lazada.vn, một mối quan hệ giúp cho cả hai doanh nghiệp tăng thêm doanh thu, mở rộng kênh bán hàng...

Phát triển hệ sinh thái

Trong năm 2015, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước đã tập trung đầu tư phát triển hệ sinh thái nhằm kết nối các hoạt động bán lẻ trực tuyến, giao - nhận, kho hàng... Các doanh nghiệp thương mại điện tử như Công ty cổ phần Vật giá (vatgia.com), Công ty cổ phần VCCorp (muachung.vn, rongbay.com, enbac.com...), Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Hòa Bình-Peacesoft (chodientu.vn, nganluong.vn, shipchung.vn)... đã tích cực mở rộng các dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh trực tuyến. Đây sẽ là một hướng phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Điển hình như Peacesoft, đơn vị đang sở hữu khá nhiều trang web kinh doanh, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như chodientu.vn và ebay.vn (sàn thương mại điện tử), nganluong.vn (phương tiện thanh toán), dịch vụ giao - nhận (shipchung.vn)..., gần đây đã cho ra mắt dịch vụ hoàn tất đơn hàng (Fulfillment) giúp các doanh nghiệp hoàn chỉnh các khâu đóng gói, kiểm tra đơn hàng, giao - nhận...

Công ty cổ phần VCCorp với hàng loạt trang web thương mại điện tử cũng tiếp tục tăng cường chất lượng dịch vụ, mở rộng hệ sinh thái. Các trang web của VCCorp đã được tập trung vào khối kinh doanh thương mại điện tử mang thương hiệu chung Zamba.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Zamba, cho biết dựa trên nền tảng thương mại điện tử có sẵn, VCCorp sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động kinh doanh trực tuyến của mình. VCCorp đang sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với nhiều trang web thương mại điện tử, đáp ứng nhiều loại nhu cầu tiêu dùng như mua hàng theo nhóm, rao vặt trực tuyến, đặt thức ăn trực tuyến...

Dịch vụ hậu cần thương mại điện tử cũng sẽ là hướng phát triển mới trong năm 2016 này, theo như nhận xét của ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước đang có nhu cầu lớn về dịch vụ hoàn tất đơn hàng để hoàn thiện quy trình kinh doanh nhưng hiện tại vẫn chưa có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ này. Trong khi đó, một số sàn thương mại điện tử lớn đã sớm triển khai dịch vụ này nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ, khép kín quy trình làm hài lòng khách hàng.

Hướng tới thương mại di động

Tại cuộc hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động năm 2015” diễn ra vào đầu năm nay, ông Nguyễn Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho biết thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ là hướng phát triển tất yếu trong tương lai đối với tất cả các doanh nghiệp thương mại điện tử. Xu thế chuyển qua kinh doanh trên nền tảng di động, thiết bị di động... đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Các doanh nghiệp như Lazada.vn, Sendo.vn, Zalora.vn, Tiki.vn... đang tập trung phát triển kinh doanh trên nền tảng di động với các ứng dụng di động, trang web có giao diện thân thiện với điện thoại thông minh, máy tính bảng... nhằm thu hút số đông người tiêu dùng có thói quen lướt web bằng thiết bị di động hằng ngày.

Ông Hà Ngọc Sơn, chuyên viên phụ trách lĩnh vực thương mại điện tử của Sở Công Thương TP.HCM, cho biết một số doanh nghiệp ở TP.HCM có định hướng đầu tư phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động. Hiện tại, đã có các sàn và trang web thương mại điện tử lớn kinh doanh thông qua nhiều kênh bán hàng khác nhau như trang web, ứng dụng di động...

Một số chuyên gia nhận xét, từ năm nay trở đi, thị trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển với những “tay đua” có khả năng chạy đường dài, có vốn lớn và kiên nhẫn với sự đầu tư dài hạn. Mặt khác, cũng có những trường hợp tương tự như beyeu.com, foodpanda.vn, deca.vn... sẽ phải rời bỏ cuộc đua vì thiếu vốn đầu tư hoặc không muốn tiếp tục “đốt tiền”.

Kinh doanh thương mại điện tử phải kiên nhẫn và Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn mà người tiêu dùng đang làm quen với cách thức mua sắm trực tuyến, vì thế các doanh nghiệp còn phải đầu tư lâu dài để chờ tới ngày thu hoạch. Có những trang web bán hàng trực tuyến phải đóng cửa nhưng cũng sẽ có những trang web mới xuất hiện trong năm 2016 này với kỳ vọng ngành thương mại điện tử Việt Nam sớm đạt tới mức tăng trưởng như một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tỷ trọng thương mại điện tử sẽ tăng gấp ba lần

Theo sự khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường EuroMonitor, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đang tăng nhanh, chỉ trong vòng năm năm (2011-2015) đã tăng từ 28 triệu lên 43 triệu người. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để ngành thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới. Nếu xét theo tỷ trọng so với thương mại truyền thống (bán hàng qua siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ...) thì thương mại điện tử chỉ mới đạt 0,25%, giá trị hàng hóa vào khoảng 154 triệu đô la Mỹ. Theo EuroMonitor, tỷ trọng này sẽ thay đổi và tăng mạnh lên gấp ba lần (khoảng 0,71%) trong năm nay với 900 triệu đô la.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích