Hiện, Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đang chuẩn bị đoàn công tác tới New Zealand để tham dự lễ ký kết.
Theo những thông tin trước đó, các bên tham gia TPP cũng nhất trí thời hạn 2 năm để Quốc hội các nước phê chuẩn hiệp định. Như vậy, TPP có thể có hiệu lực vào năm 2018.
Ngày ký kết 4/2/2016 sẽ diễn ra chỉ một ngày sau ngày 3/2/2016 – thời gian sớm nhất mà Tổng thống Barack Obama có thể ký TPP theo đạo luật quyền đàm phán nhanh (fast-track). Đạo luật này yêu cầu Tổng thống phải thông báo trước ít nhất 90 ngày cho Quốc hội về ý định ký hiệp định. Hôm 5/11 vừa qua, ông Obama đã chính thức thông báo Quốc hội về ý định này.
Vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourn - Úc vào tháng 3/2010 và kéo dài đến cuối năm 2015 sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng giữa các bên. Trong đó có 19 phiên đàm phán chính thức, 5 phiên cấp Bộ trưởng và nội dung đàm phán gồm 30 chương. Đến thời điểm kết thúc đàm phán, tổng số nước tham gia TPP đã nâng lên thành 12 thành viên.
Việt Nam chính thức tuyên bố tham gia TPP vào ngày 13/11/2010 với tư cách thành viên đầy đủ, các nước khác quyết định tham gia chính thức ngay từ đầu. Cũng từ thời điểm này, Hiệp định chính thức có tên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm 12 quốc gia vào TPP chiếm 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. GDP có thể tăng thêm 8-10% đến năm 2030 và thu hút thêm dòng vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, những cơ hội còn phải phụ thuộc vào những cải cách đến từ Việt Nam và việc Việt Nam có tận dụng được các cơ hội hay không. Quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Các ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ là chăn nuôi, doanh nghiệp phân phối - bán lẻ, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Dân Trí