Lợi nhuận 5 năm nữa có thể giảm 10 lần, Vissan liệu có hấp dẫn như CJ nghĩ?

Thứ năm, 28/01/2016, 10:43
Mức lợi nhuận 5 năm cổ phần hóa được dự báo khá khiêm tốn với mức hơn 52 tỷ đồng trong khi năm 2015 đạt mức 109 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019, lợi nhuận của Vissan được Bản Việt dự báo chỉ hơn 9 tỷ đồng, bằng 1/12 so với năm 2015.

Từ một thương hiệu nhà nước từng đứng trước nguy cơ xóa sổ, công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm chuyên sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt.

Theo thông tin từ chính Vissan, hiện các sản phẩm xúc xích tiệt trùng của công ty này chiếm 65% thị phần trong nước, 70% thị phần sản phẩm lạp xưởng, 20% thị phần đồ hộp, 40% thị phần hàng đông lạnh.

Với vị thế lớn trên thị trường như vậy, việc IPO của Vissan sắp tới thu hút nhiều nhà đầu tư.

Mới đây, Vissan cho biết sẽ bán đấu giá 11,33 triệu cổ phần trong phiên IPO dự kiến diễn ra ngày 7/3/2016 sắp tới. Tập đoàn CJ của Hàn Quốc bày tỏ mối quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của Vissan.

Tuy nhiên liệu khoản đầu tư vào Vissan có thực sự hấp dẫn?

Công ty chứng khoán Bản Việt có thể nghĩ khác. Trong báo cáo mới đây, công ty này tỏ ra thận trọng khi đưa ra kết quả kinh doanh sau cổ phần hóa của Vissan. Mặc dù doanh thu thuần của công ty này được dự báo đặt mức hơn 5.200 tỷ đồng năm 2020 so với con số hơn 3.700 tỷ đồng năm 2015. Nhưng mức lợi nhuận 5 năm cổ phần hóa được dự báo khá khiêm tốn với mức hơn 52 tỷ đồng trong khi năm 2015 đạt mức 109 tỷ đồng.

Nguồn: Bản công bố thông tin- Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản.
Nguồn: Bản công bố thông tin- Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản.

Đặc biệt năm 2019, lợi nhuận của Vissan được Bản Việt dự báo chỉ hơn 9 tỷ đồng, bằng 1/12 so với năm 2015. Nguyên nhân do chi phí tài chính của công ty này tăng đột biến lên gấp hơn 6 lần so với năm 2015.

Sở dĩ chi phí tài chính tăng vọt trong năm 2019 là do cụm nhà máy chế biến tại Long An được Vissan dự kiến sẽ đầu tư từ năm 2016 và dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2019.

Theo Bản Việt, trong vài năm tới khi tham gia TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp và đây cũng chính là thách thức lớn nhất đặc biệt đối với ngành nông nghiệp. Khi hội nhập các hàng hóa nhập khẩu dễ dàng hơn vào thị trường trong nước với giá cả cạnh tranh, sự bành trướng của các đối thủ cạnh tranh trong ngành có vốn đầu tư nước ngoài.

Kèm theo đó lối sống liên tục thay đổi, người tiêu dùng dễ dàng thay đổi sản phẩm, thương hiệu. Đây là những thách thức không hề nhỏ với Vissan.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích